Thứ Ba, ngày 07-01-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu
[ Cập nhật vào ngày (06/04/2023) ] - [ Số lần xem: 1014 ]
Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được (tài liệu Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh)
Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được (tài liệu Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh)

Bệnh thủy đậu (hay còn gọi bệnh trái rạ) là bệnh dễ lây và phổ biến ở trẻ, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm.

Những biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút từ người bị bệnh thủy đậu qua hành động nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho... Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh thường gặp vào mùa đông, đầu mùa xuân và có thể gây dịch.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan…, một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

phong benh thuy dau 2.jpg

Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được (tài liệu Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh)

Một biến chứng khác đó là bệnh Zona thần kinh (bệnh giời leo) ở người lớn. Bệnh Zona thần kinh do vi rút thủy đậu tái hoạt động gây ra, thường xảy ra trong nhiều năm sau lần bị bệnh thủy đậu ban đầu và có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm kết mạc, giác mạc, viêm màng bồ đào, rối loạn tiết niệu - trực tràng, liệt mặt, viêm não, màng não. Tất cả các biến chứng này đều rất nguy hiểm.

Thời gian ủ bệnh thủy đậu là khoảng 2-3 tuần, thông thường từ 14-16 ngày từ lúc bị nhiễm vi rút đến lúc phát bệnh. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vẩy. Người bị bệnh thủy đậu có thể nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể. Thời kỳ lây truyền là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Chăm sóc người bệnh bị thủy đậu

Bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi bị thủy đậu, việc đầu tiên là cách ly tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Phòng cách ly phải thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7-10 ngày, từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vẩy hoàn toàn. Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa. Bổ sung vitamin C và vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng. Tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc, phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

Đối với trẻ em, nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm khuẩn da thứ phát do trẻ gãi, gây trầy xước các nốt phỏng nước. Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Dùng dung dịch xanh milian (xanh methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm khuẩn: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.

Nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.


Thiên Thanh - Thanh Thúy




Đường dây nóng




Số lượng truy cập