Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến
về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm kết nối 300 điểm cầu trên cả nước.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện các Vụ,
Cục, Viện thuộc và trực thuộc Bộ, đại diện các Sở Y tế trên cả nước và các đơn
vị liên quan.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế,
cho biết, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức
tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết ở khu vực Tây Thái Bình Dương, và khu vực
Đông Nam Á. Cụ thể, sau đại dịch COVID-19, số mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới
với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử
vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc
tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số
ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Tác động của đại dịch COVID-19 trong những năm trước đó đã ảnh
hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt
được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là
bệnh sởi.
Tương tự tại Việt Nam số mắc sởi cũng tăng cao. Theo TS Nguyễn
Lương Tâm, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi,
trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. So
với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn
111 lần.
Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi
tại 31 tỉnh, thành, cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ.
Ngoài ra, số mắc ho gà cũng cao hơn 23 lần, với hơn 1.000 ca
mắc, 1 ca tử vong.
Một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt
rét, bạch hầu… đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, số mắc
cúm mùa cũng có xu hướng giảm tuy nhiên số tử vong tăng 7 trường hợp (Bình Định
4 ca, Hà Nội 2, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương một ca tử vong).
Đại điện Cục Y tế dự phòng nhận định, trong năm 2024, Việt
Nam cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, dịch bệnh
trong nước diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, bùng phát, các
tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến
tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, nhất là
vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống. Dịch bệnh cúm A(H5N1) là
vấn đề cần quan tâm, liên quan đến dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại Mỹ liên
quan đến dịch trên gia súc (bò, lợn). Tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Vì thế, hệ thống
y tế dự phòng cần đặc biệt quan tâm vấn đề này khi có gia cầm ốm chết, đồng thời
tăng cường giám sát, phát hiện, nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch nếu có xảy ra
trên người.
Cũng tại hội nghị, Cục Y tế dự phòng cũng đã báo cáo về các
quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực y tế dự phòng có liên quan đến công tác
phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đó có Thông tư 10/2024/TT-BYT ngày
13/6/2024 ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng
vaccine và sinh phẩm y tế bắt buộc; Thông tư
số 30/2024/TT-BYT ngày 04/11/2024
quy định danh mục nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã, phường, thị
trấn thực hiện; Thông tư số 34/2024/TT-BYT ngày 15/11/2024 quy định đặc điểm
kinh tế - kĩ thuật kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập và
Thông tư 41/2024/TT-BYT ngày 27/11/2024 hướng dẫn xây dụng định mức kinh tế -
kĩ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương
cho rằng về cơ bản các dịch bệnh truyền nhiễm đang được kiểm soát. Tuy nhiên thực
tế trên thế giới và Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hiện
tại, một số dịch bệnh vẫn có nguy cơ và tỷ lệ mắc tăng cao như sởi, ho gà, bạch
hầu, bại liệt có một ca cũng là cảnh báo trong công tác phòng, chống dịch của
Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, Cục Y tế dự phòng hoàn thiện cơ
chế, chính sách, khẩn trương chỉnh sửa thông tư số 10 hướng dẫn về công tác
tiêm chủng được Bộ Y tế ban hành ngày 13/6/2024, bổ sung 2 vaccine HPV triển
khai từ năm 2026 và PVC bắt đầu bổ sung từ năm 2025. Dự trù kinh phí mua
vaccine từ ngân sách nhà nước, không để hiện tượng chậm muộn trong việc cung cấp
vaccine khi triển khai tiêm chủng;
Các Viện chủ động tổ chức các cuộc họp với các địa phương để
hướng dẫn các địa phương xây dựng định mức kinh tế kĩ thuật, Vụ Kế hoạch - Tài
chính cử cán bộ cùng tham gia; Viện Pateur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở
Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá lại nguyên nhân tại sao có nhiều người dân
có con trong độ tuổi tiêm chủng không cho trẻ đi tiêm để tìm cách khuyến cáo động
viện phụ huynh đưa trẻ đi tiêm;
Các địa phương cần nghiêm túc triển khai các văn bản quy phạm
pháp luật mà Chính phủ, Bộ Y tế ban hành đối với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chủ động bố trí kinh phí để triển khai tiêm chủng; tiếp tục tập trung phòng, chống
dịch, đặc biệt lưu ý quy trình kiểm soát lây nhiễm.