QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH Y TẾ CẦN THƠ
b a
NĂM 1975:
Ngày tiếp quản (ngày 30/4/1975), y tế Khu Tây Nam bộ có 15 đơn vị trực thuộc và 436 cán bộ y tế với đủ mọi trình độ. Chỉ ngần ấy con người nhưng phải chi viện cho các tỉnh nhưng phần lớn nhân lực giữ lại cho Cần Thơ để bắt đầu một cuộc chiến đấu mới: Đó là cuộc chiến chống đói nghèo, dịch bệnh và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Trước ngày giải phóng, dịch vụ y tế của ngụy quyền chỉ tập trung ở thành thị còn ở nông thôn chỉ rải rác vài nhà bảo sanh do cô đỡ hương thôn phụ trách. Lúc bấy giờ, tỉ lệ người dân mắc các bệnh xã hội như: lao, phong, hoa liễu,… rất cao. Thuốc sử dụng trong điều trị hầu hết là thuốc ngoại nhập.
Do lực lượng cán bộ y tế của ta quá mỏng, trình độ chuyên môn được đào tạo gấp rút trong kháng chiến chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; trang thiết bị y tế cũ kỹ lạc hậu, thuốc điều trị thiếu trầm trọng do địch bao vây cấm vận, mạng lưới vệ sinh phòng dịch hầu như không có.
GIAI ĐOẠN 1976-1991: Y TẾ TỈNH HẬU GIANG VƯƠN LÊN TỪ TRONG GIAN KHÓ
Đến tháng 3/1976, Quốc hội quyết định nhập 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang. Trước yêu cầu bức thiết chăm sóc sức khỏe toàn dân, y tế Hậu Giang đã đưa ra bốn giải pháp mang tính chiến lược là: Nhanh chóng thành lập mạng lưới y tế cơ sở; Xây dựng cơ sở vật chất khám chữa bệnh; Chủ động phòng, chống dịch; Đẩy mạnh sản xuất và phân phối thuốc.
Trước mắt, ngành đã xây dựng mạng lưới theo hướng cứ 30.000 dân thì tổ chức một phòng khám đa khoa khu vực; vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu thì tổ chức thành phân viện có chất lượng tương đương bệnh viện huyện, qui mô 30 giường, thực hiện được trung phẫu. Mỗi huyện chỉ tổ chức vài trạm y tế xã.
Việc cấp bách là đào tạo cán bộ để bổ sung nguồn lực đang thiếu trầm trọng. Tháng 5/1976, Trường Sơ học Y tế Hậu Giang được thành lập có nhiệm vụ đào tạo y tá, hộ sinh, dược tá, nha tá, đông y,… Đến năm 1978, Ty Y tế Hậu Giang hợp nhất Trường Sơ học, Trường Trung học Y tế và Bệnh viện Vị Thanh thành “Viện – Trường Y tế Vị Thanh” để đào tạo y sĩ.
Trạm Vệ sinh phòng dịch và sốt rét được thành lập năm 1976 (tiền thân của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ngày nay). Do điều kiện vật chất và kỹ thuật còn hạn chế nên trạm chỉ tập trung phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra. Lúc này chưa có chương trình tiêm chủng mở rộng, trong nước chỉ tiêm phòng một số vắc xin như: TAB, DTC, dịch hạch, bại liệt nhưng tỉ lệ tiêm rất thấp.
Từ năm 1976, ngành lần lượt thành lập các Trạm: Da liễu (nay là Bệnh viện Da liễu), Trạm Bảo vệ sức khỏe Bà mẹ trẻ em – Kế hoạch hóa gia đình, Trạm Chống lao nay là Bệnh viện Lao - Bệnh phổi), Trạm Tâm thần (nay là Bệnh viện Tâm thần), Trạm Nghiên cứu dược liệu, Trạm Vật tư sửa chữa thiết bị y tế, Trạm Giám định Y khoa (nay là Trung tâm Giám định Y khoa), Trạm Mắt (nay là Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt) và Trạm Kiểm nghiệm dược phẩm (nay là Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm).
Khó khăn nhất là vấn đề thuốc chữa bệnh. Tỉnh Hậu Giang có Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang, tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm 02 tháng 9 của Ban Dân y khu Tây Nam bộ, tuy nhiên do không có nguyên liệu, xí nghiệp đã tận dụng nguồn thảo dược nội địa bào chế ra những mặt hàng thuốc thông thường như: thuốc bổ, thuốc ho, thuốc trị bệnh da, rượu thời khí,… Toàn ngành kêu gọi đẩy mạnh điều trị đông y, phát triển vườn rau cây thuốc.
Đây là thời kỳ bao cấp, hoạt động y tế gặp khó khăn do thiếu ngân sách, bệnh viện thường xuyên thiếu nợ tiền điện, tiền nước cả tiền thuốc,… trong khi ngành vẫn tiếp tục khám điều trị bệnh miễn phí cho Nhân dân.
Đã vậy, y tế Hậu Giang còn phải đương đầu với trận lũ lịch sử năm 1978 gây mất mùa đói kém và dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước,... Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, tỉnh Hậu Giang phải thành lập bệnh viện dã chiến với biên chế 80 cán bộ y tế lên đường ra mặt trận.
Mặc dù ảnh hưởng của chiến tranh biên giới Tây Nam và lũ lụt gây nhiều tổn thất, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hậu Giang, ngành y tế đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, từng bước vươn lên và phát triển.
Từ năm 1981 đến 1985, ngành tiếp tục xây dựng mạng lưới y tế cơ sở và đẩy mạnh đào tạo. Trường Trung học Y tế mỗi năm đào tạo 1.000 y sĩ đa khoa. Do các tỉnh chưa có trường y nên Hậu Giang chịu trách nhiệm đào tạo cho các tỉnh lân cận. Ngành cũng gửi cán bộ về tuyến trên để đào tạo chuyên tu bác sĩ, dược sĩ đại học, kỹ thuật viên xét nghiệm, gây mê, X quang, vật lý trị liệu,...
Giai đoạn này, công tác nghiên cứu khoa học sáng kiến sáng chế đặc biệt được chú trọng. Một số đề tài nghiên cứu và sáng kiến được đánh giá cao là “Xây dựng màng lưới y tế xã, phường” của bác sĩ Lê Minh Tới; “Sử dụng nước dừa thay dịch truyền” của bác sĩ Nguyễn Công Thiện,…
Phát huy tinh thần tự lực tự cường, ngành đã tập trung nghiên cứu điều trị nhiều căn bệnh bằng đông tây y kết hợp. Cây ô rô là dược liệu quí được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn với tên thương phẩm là Kasanta.
Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 đã đưa ra chính sách đổi mới: xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường. Ngành y tế lúc này chuyển nhiệm vụ chiến lược từ phong trào 5 dứt điểm trở thành Chăm sóc sức khỏe ban đầu và 6 chương trình y tế quốc gia.
Đối với y tế tuyến huyện, năm 1989 bắt đầu thực hiện ghép phòng y tế, bệnh viện và đội vệ sinh phòng dịch thành Trung tâm y tế.
Sau 15 năm giải phóng, (tỉnh Hậu Giang đã có 3 bệnh viện tỉnh; 12 bệnh viện huyện với quy mô từ 50 đến 200 giường; 14 phòng khám khu vực; 12 phân viện; 7 trạm chuyên khoa; 208 trạm y tế với tổng số giường bệnh là 5.381 giường, tăng 170,7% so với năm 1976, 100% cơ sở ngoại khoa thực hiện được gây tê phẫu thuật. Tất cả các huyện đều có bác sĩ, trạm y tế có từ 1-3 y sĩ) .
GIAI ĐOẠN 1992 - 2003: Y TẾ TỈNH CẦN THƠ MỞ CỬA NHÌN RA THẾ GIỚI
Năm 1992, Quốc hội quyết định chia tỉnh Hậu Giang để tái lập tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cần Thơ trên tinh thần chỉ đạo ưu tiên cho tỉnh Sóc Trăng cả về nhân sự và phương tiện.
Lúc này, ngân sách bao cấp nên không đủ chi phí chữa bệnh cho người dân, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị hư hỏng ngành y tế hoạt động hết sức khó khăn. Đến năm 1994, Chính phủ ra Nghị định số 95-CP ngày 27 tháng 8 năm 1994 cho phép thu một phần viện phí. Từ nguồn ngân sách nhà nước và viện phí, một số máy mới được trang bị, các kỹ thuật mới được triển khai như: chụp cắt lớp, lọc thận nhân tạo, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, mổ mắt bằng Laser, phaco,… Nhờ đó chất lượng phục vụ ngày càng nâng lên.
Thời điểm này, Cần Thơ có Bệnh viện Đa khoa quy mô 550 giường; Bệnh viện Nhi đồng 200 giường; Bệnh viện Y học cổ truyền 70 giường. Đến năm 1996, thành lập thêm 02 trung tâm là Chẩn đoán Y khoa và Chăm sóc sức khỏe ban đầu (sau đổi tên thành Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường), năm 1998, thành lập Trung tâm Tai Mũi Họng tách ra từ trung tâm 3 chuyên khoa. Năm 2005, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS ra đời và năm 2006, tách Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường thành Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, đến năm 1998, 100% trạm y tế của Cần Thơ có bác sĩ, được Bộ Y tế biểu dương là tỉnh điển hình toàn quốc về phủ kín bác sĩ, nữ hộ sinh tại trạm y tế và 100% ấp có nhân viên y tế.
Công tác đào tạo cán bộ giai đoạn này được quan tâm. Năm 1987, tỉnh Hậu Giang bắt đầu đào tạo cán bộ y tế sau đại học. Lớp đầu tiên là lớp chuyên khoa I nhiễm rồi lần lượt ngoại, nhi, nội, mắt - tai mũi họng. Đến năm 1997, Cần Thơ tiếp tục đào tạo thêm chuyên ngành dược, y tế công cộng, gây mê hồi sức, sản, lao và thần kinh. Đặc biệt, năm 1999, mở lớp chuyên khoa II đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long về tai mũi họng.
Năm 2002, ngành y tế thành lập Đội Thầy thuốc khám chữa bệnh cho người nghèo gồm 170 y bác sĩ với sự tài trợ của Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang, mỗi tháng Đội đi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và gia đình chính sách từ 01 đến 02 lần.
GIAI ĐOẠN 2004-2020: Y TẾ THÀNH PHỐ CẦN THƠ VƯƠN LÊN TẦM CAO MỚI
Năm 2004, tỉnh Cần Thơ một lần nữa chia tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương mở ra vận hội mới để Ngành Y tế phát triển theo hướng hiện đại trở thành trung tâm y tế kỹ thuật của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngành đã từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng “công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập”.
Sở Y tế thành phố Cần Thơ được thành lập tại các Quyết định:
+ Quyết định số 19/2004/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ;
+ Quyết định số 37/2008/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ;
+ Quyết định số 2611/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thành phố Cần Thơ thực hiện theo Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Đến tháng 6 năm 2020, có 31 đơn vị trực thuộc Sở Y tế thành phố Cần Thơ:
TT
|
Đơn vị trực thuộc Sở Y tế
|
I
|
Cơ quan trực thuộc Sở Y tế
|
1
|
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
|
2
|
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
|
II
|
Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế
|
|
Tuyến thành phố
|
|
Lĩnh vực khám chữa bệnh phục hồi chức năng
|
3
|
Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ
|
4
|
Bệnh viện Y học cổ truyền
|
5
|
Bệnh viện Nhi đồng
|
6
|
Bệnh viện Tai Mũi Họng
|
7
|
Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt
|
8
|
Bệnh viện Lao - Bệnh phổi
|
9
|
Bệnh viện Da liễu
|
10
|
Bệnh viện Ung bướu
|
11
|
Bệnh viện Tâm thần
|
12
|
Bệnh viện Huyết học - Truyền máu
|
13
|
Bệnh viện Phụ sản
|
14
|
Bệnh viện Tim mạch
|
15
|
Bệnh viện Quân Dân y
|
|
Lĩnh vực Kiểm nghiệm
|
16
|
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm
|
|
Lĩnh vực Pháp y
|
17
|
Trung tâm Pháp Y
|
|
Lĩnh vực Giám định y khoa
|
18
|
Trung tâm Giám định Y khoa
|
|
Lĩnh vực y tế dự phòng
|
19
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
|
|
Tuyến quận, huyện
|
20
|
Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều
|
21
|
Trung tâm Y tế quận Bình Thủy
|
22
|
Trung tâm Y tế quận Ô Môn
|
23
|
Trung tâm Y tế quận Cái Răng
|
24
|
Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt
|
25
|
Trung tâm Y tế huyện Phong Điền
|
26
|
Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh
|
27
|
Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ
|
28
|
Trung tâm Y tế huyện Thới Lai
|
29
|
Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh
|
30
|
Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt
|
31
|
Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn
|