Cứu sống người bệnh bị phình bóc tách động mạch chủ ngực - bụng bằng kỹ thuật Hybrid
Các Bác sĩ Đơn vị tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cứu
sống một trường hợp bị phình bóc tách động mạch chủ ngực - bụng bằng kỹ thuật Hybrid.
Anh N.T.H (38 tuổi, địa chỉ tại TP Cần Thơ) thường xuyên mệt,
chóng mặt có tiền sử bị tăng huyết áp nên đã đi khám ở một bệnh viện ở TP Cần
Thơ trước khi chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Tại đây, các
bác sĩ đã thăm khám và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để đánh
giá tình trạng người bệnh. Kết quả người bệnh được chẩn đoán: Phình bóc tách động
mạch chủ ngực - bụng trên nền bệnh lý tăng huyết áp (chỉ số huyết áp đo được
ngay thời điểm nhập viện là 180/100mmHg).
Sau khi hội chẩn kỹ, các bác sĩ đã lựa chọn kỹ thuật Hybrid
để điều trị, tức cùng lúc vừa phẫu thuật vừa can thiệp đặt Stent-Graft, chuyển
vị 2 nhánh động mạch vùng cổ trái, can thiệp động mạch chủ ngực - bụng bằng đường
ống thông qua da tại đoạn phình bóc tách của động mạch chủ ngực - bụng. Với
phương pháp Hybrid trong điều trị bệnh lý động mạch chủ, bác sĩ sẽ mở 1 vết rạch
nhỏ ở bẹn để tạo đường vào cho stent. Dưới sự trợ giúp của hệ thống DSA, hệ thống
dẫn và stent được đưa vào đúng vị trí tổn thương mạch máu, giúp tái tạo thành động
mạch bị tổn thương, làm cho thành động mạch chủ cứng cáp hơn, không bị vỡ; đồng
thời điều chỉnh dòng chảy đúng với sinh lý hơn và không tạo ra một túi phình nữa.
Sau khoảng hơn 2 giờ thực hiện, ca mổ kết thúc, chỗ phình
bóc tách động mạch chủ ngực - bụng được giải quyết, người bệnh được theo dõi hồi
sức tim mạch. Sức khỏe của người bệnh đã có những chuyển biến tốt, không có dấu
hiệu nhiễm trùng, chỉ số sinh hiệu ổn định, tình trạng chóng mặt giảm rõ.
Theo BS.CKII. Trần Phước Hòa, Trưởng Khoa Ngoại tim mạch - Lồng
ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thì phình bóc tách động mạch chủ ngực - bụng
là bệnh lý giãn hoặc bóc tách khu trú bất thường của động mạch chủ ngực - bụng,
bao gồm một hay nhiều đoạn. Bệnh lý phình bóc tách động mạch chủ ngực - bụng
thường gặp ở người lớn tuổi, nhất ở nam trên 60 tuổi. Ở người bệnh trẻ 38 tuổi
như trường hợp này thì hiếm gặp hơn. Trên trường hợp người bệnh này còn bị tăng
huyết áp mà không được kiểm soát tốt, có thể gây bất thường thành mạch máu, làm
bệnh diễn tiến nặng. Đối với người bình thường, đường kính của động mạch chủ
khoảng 2,5 đến 3 cm, cấu tạo gồm 3 lớp: áo ngoài, áo giữa và áo trong. Khi động
mạch bị phình, giãn nở, bóc tách các lớp với nhau, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn
dữ dội, các lớp của thành mạch máu bị tách ra có thể vỡ động mạch và dẫn đến tử
vong.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh lý phình động
mạch chủ như xơ vữa động mạch, hút thuốc, tăng cholesterol, di truyền, lười
vận động... Dấu hiệu nhận biết của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với
một số bệnh lý khác khiến cho nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời mà
chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác hoặc đi khám sức khỏe. Một số
triệu chứng có thể gặp như người bệnh đau ngực, bụng, ngực - bụng, đau thường
khu trú hay lan tỏa hoặc ra phía sau lưng tùy vào vị trí phình bóc tách, cảm
giác đau thường liên tục, bứt rứt kéo dài hàng giờ đến nhiều ngày.
BS Hòa cũng khuyến cáo bà con nên chủ động quan tâm đến sức
khỏe của mình, nên lên lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm
bệnh lý, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc
xảy ra; đồng thời có chế độ sống, sinh hoạt, vận động khoa học.