Thứ Bảy, ngày 26-07-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng, chống dịch sốt xuất huyết “mùa cao điểm”
[ Cập nhật vào ngày (24/07/2025) ] - [ Số lần xem: 311 ]
Kiểm tra, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng.
Kiểm tra, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng.

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết ở nước ta đang bước vào "mùa cao điểm". Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết. Nhất là trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm như hiện nay, muỗi ngày càng phát triển và truyền bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, nếu các địa phương và người dân cùng chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, dịch bệnh này sẽ được kiểm soát.

Dập dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lưu hành tại Việt Nam. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc đã ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó tại khu vực phía Nam, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024, một số địa phương đã có trường hợp tử vong. Hiện nay, đang là giai đoạn cao điểm, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca mắc khi đến mùa tựu trường và trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước sắp tới.

PHONG BENH SXH MUA CAO DIEM - 02.jpg

Phun thuốc diện rộng bằng xe ô tô.

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết, việc tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, chủ động phun thuốc diệt muỗi diện rộng tại các địa bàn trọng điểm, đóng vai trò quan trọng trong phòng bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ theo dõi sát diễn biến dịch sốt xuất huyết, phối hợp các cơ sở y tế ghi nhận ca bệnh hằng ngày, báo các trạm y tế, trung tâm y tế xử lý ca bệnh. Qua theo dõi, giám sát, ca sốt xuất huyết tăng cao tại xã Nhơn Ái (Nhơn Nghĩa cũ). Theo thống kê, từ ngày 1/1/2025 đến 12/7/2025, ghi nhận 32 ca SXH, so cùng kỳ tăng 24 ca.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, ngày 16/7/2025, CDC Cần Thơ phối hợp Trạm Y tế xã Nhơn Ái tổ chức chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng bằng xe ô tô và máy phun đeo vai, khoảng 500 hộ dân tại 3 ấp: Nhơn Phú 1, Nhơn Phú A và Thị tứ Vàm Xáng.

Ngoài phun ở khu dân cư có nguy cơ cao, trạm y tế xã cũng kết hợp phun mù nóng ở khu vực công cộng, đông dân cư. CDC Cần Thơ tổ chức các đoàn giám sát để theo dõi mật độ muỗi, chỉ số lăng quăng, và đánh giá hiệu quả của các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trước, trong và sau chiến dịch. Trạm Y tế cũng phối hợp với cộng tác viên khu vực xuống từng hộ dân thông báo, tuyên truyền hoạt động phun hóa chất trước chiến dịch.

Dành 10 phút mỗi tuần để diệt lăng quăng

Hiện nay, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và tránh muỗi đốt. GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh về vai trò quan trọng của hộ gia đình trong phòng chống SXH, lấy hộ gia đình làm trọng tâm, mỗi gia đình dành 10 phút mỗi ngày diệt lăng quăng thì muỗi không có cơ hội phát triển và cắt đứt nguồn lây bệnh.

Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt, sử dụng các biện pháp xua muỗi như kem bôi, đèn hoặc vợt điện. Quan trọng nhất, khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự điều trị tại nhà vì dễ bỏ lỡ thời điểm phát hiện dấu hiệu cảnh báo của bệnh.

PHONG BENH SXH MUA CAO DIEM - 03.jpg

Cán bộ phòng chống dịch tuyên truyền, hướng dẫn người dân  thực hiện các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết.

Mỗi gia đình hãy dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại bỏ các ổ bọ gậy trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt, súc rửa, đậy nắp các bể nước, thả cá vào bể cảnh để tiêu diệt lăng quăng. Đồng thời, thay nước lọ hoa thường xuyên, nhỏ muối hoặc hóa chất vào các chén nước kê chân tủ, bể cảnh hoặc hòn non bộ; loại bỏ các vật liệu phế thải có thể đọng nước, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

1. Dành 10 phút mỗi tuần để:

* Thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

Thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn;

Súc rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ;

Thay nước bình hoa/bình bông;

Lật úp các dụng cụ không chứa nước;

Bỏ muối hoặc dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào chén nước kê chân tủ;

* Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu bể, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

2. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

4. Tiêm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.


Bài, ảnh: Đỗ Quyên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập