Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại
gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại đã được ghi nhận ở hơn 150
quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung
bình mỗi năm có 59.000 người tử vong vì bệnh dại ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh
thổ. Trong đó, 99% trường hợp người tử vong do nhiễm vi rút dại từ chó; 40% là
trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong ở châu Á và châu Phi. Ở châu Á, mỗi năm có
khoảng 26 triệu người được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.
Tại Việt Nam, với những nỗ lực đáng kể của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, chính quyền Ủy ban nhân dân các cấp, sự hỗ trợ của
các tổ chức quốc tế, nước ta hiện đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo
thực thi các giải pháp phòng, chống bệnh dại.

Người dân đến tiêm vắc xin ngừa
bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ.
Theo số liệu báo cáo từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm
- Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận 42 trường hợp nghi dại
và tử vong do bệnh Dại tại 19 tỉnh, thành phố, giảm 05 trường hợp so với cùng kỳ
năm 2024 (47 trường hợp). Những tỉnh ghi nhận trường hợp tử vong đều là tỉnh có
bệnh dại lưu hành nhiều năm như Gia Lai, Bình Thuận (nay là tỉnh Lâm Đồng). Nguyên
nhân chủ yếu là những người bị động vật nghi dại (chó, mèo....) cắn nhưng chủ
quan không đi tiêm phòng vắc xin phòng dại kịp thời dẫn đến tử vong.
Tại thành phố Cần Thơ, theo thống kê của ngành thú y, trên địa
bàn mỗi năm có khoảng 14.000 hộ nuôi chó, với tổng đàn 32.515 con; chủ yếu nuôi
chó để giữ nhà và bình quân 01 hộ nuôi từ 1-2 con. Hàng năm, thành phố Cần Thơ tổ
chức rà soát, thống kê số hộ chăn nuôi và tổng đàn chó, mèo trên địa bàn, qua
công tác rà soát thì kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng
trong quản lý chó, mèo nuôi và phòng, chống bệnh dại.

Chó, mèo nuôi cần xích, nhốt cẩn
thận.
Có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong
đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong
nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vắc xin phòng bệnh cho người có
nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó
mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.
Để chủ động triển khai công tác truyền thông phòng, chống bệnh
dại, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương đã ban hành Công văn số
379/GDSKTƯ ngày 01/07/2025 về việc tăng cường công tác truyền thông phòng, chống
bệnh dại năm 2025. Theo đó, ngành Y tế các địa phương cần chủ động cập nhật
thông tin hướng dẫn, quy định chính sách của Chính phủ, ngành Y tế về công tác
phòng, chống bệnh dại; thông tin về chương trình, địa điểm tiêm vắc xin phòng dại,
tình trạng, số lượng vắc xin tại mỗi địa phương, chủ động đưa chó, mèo đi tiêm
vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y.
Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về
phòng, chống bệnh dại như không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo; tránh tiếp xúc với
chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em. Không thả rông chó, mèo;
phải nuôi nhốt, xích hoặc giữ trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó ra đường
phải đeo rọ mõm, có dây dẫn.
Khi bị chó, mèo cắn cần vệ sinh khử trùng vết thương; rửa vết
thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Không băng
kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương. Không tự chữa tại nhà, cần đến cơ
sở y tế để khám, tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại kịp thời đồng thời,
tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về Quy định mức xử phạt khi thả rông chó,
mèo.
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong
việc phòng ngừa bệnh dại, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần
Thơ phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn phòng, chống bệnh dại và quản
lý đàn chó, mèo nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các cán bộ Trạm chăn nuôi,
Trạm Y tế, cộng tác viên y tế mạng lưới trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Các buổi
tập huấn được các báo cáo viên triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên
quan quản lý, bắt và xử lý chó, mèo thả rông nơi công cộng; phòng, chống bệnh dại
trên động vật: Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại trên động vật và Hướng dẫn giám
sát, phòng, chống bệnh dại trên người.

Hướng dẫn xử trí vết thương khi
không may bị chó, mèo cắn, cào.
Tiêm ngừa vắc xin dại là biện pháp duy nhất phòng tránh được
tử vong do bệnh dại. Nuôi chó, mèo là việc riêng của mỗi gia đình nhưng người
nuôi phải có ý thức tiêm phòng cho chó, mèo nuôi; nhốt cẩn thận, tránh gây ảnh
hưởng đến người xung quanh.
Ngành Y tế kêu gọi cộng đồng chia sẻ thông tin và nâng cao
nhận thức, thực hành phòng, chống bệnh dại để cứu sống con người; tăng cường phối
hợp liên ngành trong giám sát, báo cáo dịch bệnh, hợp tác có hiệu quả để chung
tay đẩy lùi bệnh dại, tiến tới mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại vào
năm 2030.