Thứ Năm, ngày 24-04-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2025 đợt 3
[ Cập nhật vào ngày (24/04/2025) ] - [ Số lần xem: 26 ]
Sau triển khai các đợt tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi năm 2024 và năm 2025, tỷ lệ mắc sởi đã bắt đầu giảm ở nhóm từ 1 đến 10 tuổi; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi; tuy nhiên nhóm trên 10 tuổi có xu hướng tăng.
Sau triển khai các đợt tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi năm 2024 và năm 2025, tỷ lệ mắc sởi đã bắt đầu giảm ở nhóm từ 1 đến 10 tuổi; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi; tuy nhiên nhóm trên 10 tuổi có xu hướng tăng.

Sau triển khai các đợt tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, so với 3 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ mắc sởi đã bắt đầu giảm ở nhóm từ 1 đến 10 tuổi; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi; tuy nhiên nhóm trên 10 tuổi có xu hướng tăng. Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn, ngày 23/4/2025, Sở Y tế TP Cần Thơ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2025 đợt 3 trên địa bàn thành phố.

Thời gian diễn ra chiến dịch được thực hiện 2 lần. Lần 1 từ ngày 28 - 29/4/2025; lần 2: hoàn thành trước ngày 15/5/2025 (trên cơ sở kết quả triển khai lần 1 và kết quả xác định vùng nguy cơ). Đối tượng là trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, chưa được tiêm trong các đợt chiến dịch tiêm chủng năm 2025. Trẻ từ 11 - 15 tuổi tại xã/phường nguy cơ cao, rất cao chưa tiêm chủng, chưa tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi và trẻ chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không rõ tiền sử mắc sởi, có nguyện vọng tiêm vắc xin chứa thành phần sởi.

CD SOI DOT 3 - 02.jpg

Vắc xin sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.

Chiến dịch được tổ chức tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện, Trạm Y tế, các trường học một hoặc nhiều đợt tùy vào điều kiện của từng địa phương. Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị bỏ sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên. 

Các cơ sở y tế, Trạm Y tế xã/phường/thị trấn tổ chức buổi tiêm chủng tại đơn vị hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục, các ban ngành đoàn thể liên quan để bố trí điểm tiêm chủng theo quy định. Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về việc quy định về hoạt động tiêm chủng. Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm cho tiêm riêng 01 loại vắc xin; không quá 50 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm cùng nhiều loại vắc xin. Rà soát và tiêm vét những trẻ thuộc diện đối tượng đã đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa bàn ở thời điểm triển khai cần được tiêm vét để hạn chế số trẻ bị bỏ sót. Đối với các trường hợp tạm hoãn, cần có kế hoạch tiêm vét vào ngay cuối mỗi đợt hoặc buổi tiêm chủng thường xuyên. 

Lưu ý: Các đối tượng tiêm vắc xin phải KHÔNG tiêm vắc xin có chứa cùng thành phần trong vòng 01 tháng trước khi triển khai tiêm. KHÔNG tiêm vắc xin cho đối tượng đã tiêm đủ mũi theo quy định.

CD SOI DOT 3 - 03.jpg

Trẻ được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin sởi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) tiếp nhận và bảo quản vắc xin tại kho của CDC, thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế quận/huyện ngay sau khi tiếp nhận vắc xin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Trung tâm Y tế các quận/huyện tiếp nhận vắc xin về kho bảo quản và cấp phát cho Trạm Y tế xã/phường/thị trấn 01 - 02 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trước buổi tiêm chủng. Phải kiểm tra tình trạng tủ lạnh bảo quản vắc xin của Trạm Y tế xã/phường/thị trấn trước khi giao vắc xin. Trạm Y tế  tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vắc xin cho các điểm tiêm chủng. Kết thúc đợt tiêm tất cả các lọ vắc xin chưa mở phải được đưa về bảo quản tại Trung tâm Y tế quận/huyện.

Theo CDC Cần Thơ, kết quả thực hiện Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi sau 2 chiến dịch năm 2024 và quý I/2025, Trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi đạt tỷ lệ 95,8%; Trẻ từ 1 - 5 tuổi đạt tỷ lệ 96,4%; Trẻ từ 6 - 10 tuổi đạt tỷ lệ 95,2%.

Theo hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm, toàn thành phố Cần Thơ trong quý I/2025, bệnh sởi ghi nhận có 298 ca mắc. Số ca mắc cao nhất ở các quận/huyện: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Ô Môn và Thốt Nốt. Tỷ suất nguy cơ mắc sởi/100.000 dân cao nhất là huyện Vĩnh Thạnh (76 ca/100.000 dân). Nhóm tuổi mắc sởi chủ yếu là nhóm dưới 10 tuổi. Khoảng 10% các ca mắc bệnh sởi có tiêm vắc xin sởi và khoảng 90% các ca bệnh còn lại chưa tiêm và chưa rõ tiền sử tiêm ngừa.

Theo Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 67.904 trường hợp nghi sởi, 8 trường hợp tử vong và tiếp tục ghi nhận số trường hợp nghi sởi cao nhất tại khu vực miền Nam (47,5%). Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sau kết quả triển khai các đợt tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi vào năm 2024 và 2025, so với 3 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ mắc sởi đã bắt đầu giảm ở nhóm từ 1 - 10 tuổi đã giảm 6%; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi giảm 0,4% (bao gồm cả nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi không có chỉ định tiêm vắc xin sởi); nhóm trên 10 tuổi tăng 6,4% (Trong đó: từ 11 – 15 tuổi chiếm 19,2% và nhóm trên 16 tuổi chiếm 16,7%).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lứa tuổi tiêm chủng vắc xin sởi ở những nước có bệnh sởi lưu hành là tiêm mũi thứ nhất từ 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 15 - 18 tháng tuổi, còn ở những nước đã loại trừ bệnh sởi, tiêm mũi thứ nhất lúc 12 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai lúc 15 - 18 tháng tuổi. WHO cũng khuyến cáo việc tiêm bổ sung một mũi vắc xin có chứa thành phần sởi cho trẻ từ đủ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong những trường hợp gồm: Khi đang bùng phát dịch sởi, trong các chiến dịch nơi mà nguy cơ mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao, sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 mũi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng (lưu ý mũi 1 cách mũi bổ sung ít nhất 4 tuần); Vắc xin sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.

Thiên Thanh




Đường dây nóng




Số lượng truy cập