Thứ Bảy, ngày 05-04-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Bộ Y tế: tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị sởi
[ Cập nhật vào ngày (04/04/2025) ] - [ Số lần xem: 19 ]
Thành phố Cần Thơ đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi năm 2025. Ảnh: Thúy Duy
Thành phố Cần Thơ đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi năm 2025. Ảnh: Thúy Duy

Ngày 03/4/2025, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị sởi.

Thành phố Cần Thơ có 06 điểm cầu, trong đó điểm cầu số 1: tại Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ (gồm các đơn vị Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ, Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện đa khoa Hòa Hảo Medic Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Cần Thơ và Bệnh viện đa khoa Tâm Minh Đức). Điểm cầu số 2: Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ (gồm: Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu và Bệnh viện đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ). Điểm cầu số 3: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố gồm: Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Điểm cầu số 4: Trung tâm Y tế quận Cái Răng (gồm: Trung tâm Y tế quận Cái Răng, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long và Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ). Điểm cầu số 5: Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn (gồm: Bệnh viện đa khoa quận Ô Môn, Trung tâm Y tế quận Ô Môn, Trung tâm Y tế huyện Thới Lai và Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ). Điểm cầu số 6: Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt (gồm: Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt, Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt, Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Thạnh và Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh).

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Hà Anh Đức cho biết: Từ cuối năm 2024 đến giờ bệnh sởi diễn biến gia tăng và kéo dài ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý 1 năm 2025 so với năm 2024 và đã có một số trường hợp người bệnh tử vong liên quan đến bệnh sởi. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi và Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15/3/2025 về việc về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi. Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đã có văn bản gửi các đơn vị về tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Vừa qua, ngày 26/03/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. Đây là tài liệu chuyên môn quan trọng để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai áp dụng trong thực hành lâm sàng.

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi 2025 có 10 điểm cập nhật mới chính so với Hướng dẫn ban hành năm 2014:

Điểm thứ nhất: Yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán sởi như: Xét nghiệm cơ bản: Bổ sung thêm xét nghiệm khí máu động mạch khi có suy hô hấp; Yêu cầu xét nghiệm đánh giá đáp ứng viêm: Ferritin, LDH, interleukin khi sởi có biến chứng nhiễm khuẩn nặng; Xét nghiệm phục vụ chẩn đoán nhiễm sởi: Bổ sung thêm “Nếu xét nghiệm IgM sởi âm tính mà triệu chứng lâm sàng vẫn nghi ngờ sởi thì có thể làm lại lần 2 sau 72 giờ, hoặc chỉ định PCR sởi qua bệnh phẩm dịch tỵ hầu” và “Phân lập vi rút từ máu và dịch mũi họng trong giai đoạn sớm của bệnh”.

Điểm thứ hai: Yêu cầu đánh giá yếu tố nguy cơ bệnh sởi diễn tiến nặng. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: trẻ < 12 tháng; người chưa tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ; suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh nền nặng; suy dinh dưỡng nặng; thiếu vitamin A; phụ nữ mang thai;

Điểm thứ ba: Hướng dẫn cách xác định ca bệnh nghi ngờ mắc sởi khi có các dấu hiệu: Tiền sử tiếp xúc với người bệnh sởi trong vòng 7-21 ngày hoặc sống trong vùng dịch sởi lưu hành; Triệu chứng lâm sàng nghi ngờ sởi (sốt và viêm long đường hô hấp trên).

Điểm thứ tư: Hướng dẫn chẩn đoán ca bệnh sởi trên lâm sàng khi người bệnh có các triệu chứng: Sốt, Ho, chảy nước mũi hoặc viêm kết mạc, có hạt Koplik hoặc phát ban dạng sởi.

Điểm thứ năm: Cập nhật tiêu chuẩn chẩn đoán xác định bệnh sởi: bao gồm ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh lâm sàng mắc sởi, và có xét nghiệm kháng thể IgM hoặc PCR dương tính với sởi (trước đây tiêu chí chẩn đoán xác định dựa trên yếu tố dịch tễ, dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm có kháng thể IgM đối với vi rút sởi).

Điểm thứ sáu: Bổ sung chẩn đoán phân biệt sởi với một số bệnh, bao gồm: Bệnh do Mycoplasma pneumoniae, bệnh sốt mò, nhiễm vi rút Epstein-Barr, viêm màng não mủ.

Điểm thứ bảy: Hướng dẫn chi tiết về điều trị biến chứng viêm phổi ở người bệnh sởi: Trong đó chi tiết về các liệu pháp hỗ trợ hô hấp theo các mức độ suy hô hấp, có lưu đồ hướng dẫn cụ thể.

Điểm thứ tám: Hướng dẫn chi tiết về chỉ định và liều sử dụng globuline miễn dịch đường tĩnh mạch (IVIG). Về chỉ định sử dụng globuline: Khi tình trạng nhiễm trùng nặng kèm theo bằng chứng tăng đáp ứng viêm; suy hô hấp tiến triển nhanh; viêm não. Hướng dẫn về liều dùng: IVIG tĩnh mạch 0,25 g/kg/ngày x 3 ngày liên tiếp (tổng liều có thể 1g/kg, dùng từ 2-4 ngày). Truyền tĩnh mạch chậm trong 8-10 giờ.

Điểm thứ chín: Phân cấp chuyên môn trong khám, chữa bệnh sởi: Trạm y tế xã, phường và phòng khám: Khám và điều trị ngoại trú người bệnh sởi không biến chứng. Thực hiện chuyển cơ sở khác để điều trị đối với bệnh sởi có biến chứng hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng; Bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tư nhân: Khám và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng và bệnh sởi có biến chứng. Chuyển cơ sở khác điều trị khi vượt quá năng lực: Với người bệnh sởi có biến chứng viêm phổi cần thở oxy, viêm não, nhiễm khuẩn huyết hoặc có suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh nền nặng; Bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực, bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa Nhi: Khám và điều trị người bệnh sởi tất cả các trường hợp. Hội chẩn, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác điều trị các trường hợp nặng hoặc khó điều trị.

Điểm thứ 10: Bổ sung một số nội dung liên quan đến chăm sóc điều dưỡng; Dự phòng và kiểm soát lây nhiễm: như cách ly dài hơn đối với người bệnh sởi có suy giảm miễn dịch; dự phòng sau phơi nhiễm: Tiêm vắc xin, sử dụng Immune Globulin (IG) đường truyền tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, chỉ định Immune Globulin dự phòng sau phơi nhiễm cho một số trường hợp đặc biệt: Người suy giảm miễn dịch nặng, trẻ em dưới 9 tháng có bệnh lý nền nặng đang tiến triển, xem xét chỉ định đối với phụ nữ mang thai.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trình bày tham luận về chẩn đoán và xử trí bệnh sởi không biến chứng, xử trí bệnh sởi có biến chứng, dự phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi. Đây là những thông tin cần thiết, hữu ích để kịp thời cập nhật chi tiết những điểm mới của Hướng dẫn, tăng cường hiệu quả công tác phát hiện, phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hải Ân




Đường dây nóng




Số lượng truy cập