Hưởng ứng ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4: “Vì một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ”
Nhằm xây dựng cộng đồng hỗ trợ gia đình trẻ tự kỷ, ngày Thế
giới nhận thức về tự kỷ năm nay (02/04/2025) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy
chủ đề là “Vì một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ”.
Theo WHO, số lượng trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ trên thế giới
ngày càng gia tăng, tỷ lệ mắc tự kỷ trên toàn cầu năm 1970 là 1/10.000, đến năm
2000 tỉ lệ trên đã lên đến 1/150 và gần nhất năm 2023 theo CDC Hoa Kỳ tỉ lện
này đã đạt tới 1/36, trong đó tỉ lệ trẻ nam so với nữ là 4/1. Tại Việt Nam theo
công bố của Tổng cục Thống kê (tháng 1/2019), có khoảng 1 triệu người rối loạn
phổ tự kỷ. Tỉ lệ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ ước tính là 1% số trẻ sinh ra.
Các chuyên gia cho biết, rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn
phát triển thần kinh được đặc trưng bởi sự suy giảm khả năng tương tác và giao
tiếp xã hội, các kiểu hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn cũng như sự phát triển
trí tuệ không đồng đều. Rối loạn này xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, thường là
trước khi bắt đầu đi học và ảnh hưởng đến sự phát triển của các chức năng cá
nhân, xã hội, học tập và/hoặc nghề nghiệp. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong
hòa nhập với thế giới xung quanh.
Điều trị rối loạn phổ tự kỷ thường có tính chất đa ngành
trong đó các can thiệp tâm lý và giáo dục đặc biệt có vai trò quan trọng nhất.
“Thời gian vàng” để can thiệp cho trẻ tự kỷ là trước 3 tuổi - đây là cơ hội để
kịp thời giúp tăng khả năng cải thiện triệu chứng, cải thiện chức năng xã hội
và giảm khả năng xuất hiện các bất thường khác như rối loạn cảm xúc hành vi,
các rối loạn về học tập trong những năm tiếp theo của cuộc đời. Điều trị hóa dược
không có tác dụng làm mất các triệu chứng tự kỷ, tuy nhiên nó giúp kiểm soát
các tình trạng bất thường cảm xúc hành vi đi kèm, từ đó làm tăng khả năng tập
trung chú ý và hiệu quả can thiệp trên trẻ.
Mặc dù tự kỷ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt
động chức năng, chất lượng sống của trẻ như vậy nhưng nếu được phát hiện và can
thiệp sớm cùng sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, trẻ mắc tự kỷ sẽ có khả năng
phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng.
Đối với trẻ, việc can thiệp sớm, có thể làm giảm mức độ ảnh
hưởng của những khiếm khuyết và giúp trẻ đạt được những kĩ năng phát triển cần
thiết để có một cuộc sống độc lập và thoải mái trong khả năng có thể. Đối với
gia đình, can thiệp sớm giúp gia đình hiểu trẻ, giảm được những căng thẳng, khó
khăn khi trong gia đình có người tự kỷ, xây dựng được những mối quan hệ tốt
hơn, nâng cao chất lượng sống của cả gia đình. Đối với xã hội, nhờ can thiệp sớm
trẻ tự kỷ có cuộc sống độc lập hơn, có thể có công việc và một sức khỏe tâm thần
tốt hơn, từ đó có những đóng góp hữu ích cho sự phát triển xã hội, giảm gánh nặng
xã hội của tự kỷ.
Chủ đề Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4/2025 được WHO
đưa ra là “Vì một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ”. Ba yếu tố chính của
thông điệp này là:
– Hiểu: Việc hiểu về rối loạn phổ tự kỷ là bước đầu tiên
trong quá trình hỗ trợ. Để hỗ trợ gia đình, cần có kiến thức về các triệu chứng
của tự kỷ và những nhu cầu đặc biệt mà trẻ tự kỷ có thể gặp phải. Sự hiểu biết
này sẽ giúp gia đình, nhà trường, và cộng đồng nhìn nhận vấn đề đúng đắn và tìm
ra cách thức hỗ trợ hiệu quả.
– Đồng hành: Đồng hành cùng gia đình có trẻ tự kỷ nghĩa là
trở thành một người bạn, người hỗ trợ trong hành trình nuôi dạy và chăm sóc trẻ.
Điều này có thể là việc tham gia cùng gia đình trong việc tìm kiếm các dịch vụ
hỗ trợ, giáo dục đặc biệt, hay giúp đỡ trong những tình huống khó khăn. Đồng
hành cũng có thể là sự hỗ trợ tinh thần, tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh
không cảm thấy cô đơn trong hành trình nuôi dạy con cái.
– Hỗ trợ: Hỗ trợ gia đình có trẻ tự kỷ không chỉ là giúp đỡ
về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần. Hỗ trợ có thể là việc cung cấp các nguồn
lực, thông tin về giáo dục đặc biệt, các phương pháp trị liệu, hoặc tạo ra một
môi trường hòa nhập tích cực và phù hợp cho trẻ.
Hãy hành động vì cộng đồng trẻ và gia đình trẻ tự kỷ. Mỗi
chúng ta đều có thể góp phần xây dựng một xã hội bao dung và thấu hiểu. Hãy lan
tỏa những thông tin đúng đắn và tích cực về rối loạn phổ tự kỷ, tham gia các
chương trình liên quan đến trẻ tự kỷ, hỗ trợ các gia đình, công nhận tính khác
biệt và những năng lực đặc biệt của người tự kỷ.