Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ: Phẫu thuật cắt polyp mũi cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa thực hiện phẫu thuật
cắt polyp cho 01 nam bệnh nhân Trần Minh H. (61 tuổi, nhập viện ngày 15/3/2025,
quê ở quận Thốt Nốt – TP. Cần Thơ) suy thận mạn, có lọc thận nhân tạo.
Bệnh nhân
cho biết bản thân có tiền sử suy thận mạn lâu năm, đang điều trị thuốc và lọc
thận định kỳ. Các kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân có polyp mũi, suy thận
giai đoạn 5, tăng huyết áp, đái tháo đường, tràn dịch màng phổi. Khoảng một năm
trở lại đây, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nghẹt mũi kéo dài. Ban đầu nghẹt
hoàn toàn bên phải, sau đó lan sang cả bên còn lại, kèm theo nhiều đợt chảy máu
mũi lượng nhiều tái diễn.
Khi tiếp nhận trường hợp này, bác sĩ nội soi mũi cho thấy
polyp mũi bít hoàn toàn hốc mũi phải, che lấp cửa mũi sau bên trái. Ngoài ra, bệnh
nhân còn mắc nhiều bệnh lý nội khoa nặng, bao gồm tim mạch, nội tiết. Trong quá
trình điều trị, bác sĩ hội chẩn liên khoa để phối hợp điều trị với chẩn đoán: Bệnh
nhân được lọc thận định kỳ 3 lần/tuần, thông số BF: 200 ml/phút, UF: 2000 ml, sử
dụng màng COPS 15. Xét nghiệm sinh hóa máu ghi nhận Creatinin tăng cao 664
µmol/L, ure 16,7 mmol/L. CT xoang - hình ảnh mờ tất cả các xoang 2 bên và vòm
mũi họng.
Trước tình trạng chảy máu mũi không kiểm soát, các bác sĩ sơ
cứu ban đầu bằng cách Merocel cầm máu nhiều lần. Tuy nhiên, sau khi rút ra lại
chảy máu tiếp do polype hoại tử. Do đó ê kíp điều trị đã cân nhắc và đi đến quyết
định phẫu thuật dù bệnh nhân có nhiều bệnh nền nặng, nguy cơ biến chứng cao, đặc
biệt là nguy cơ chảy máu trong và sau mổ do lọc thận liên tục. Trong quá trình
phẫu thuật, ê kíp gây mê phải theo dõi sát sao do huyết áp bệnh nhân rất cao
(195/110 mmHg), đồng thời với tình trạng tràn dịch màng phổi.
Các bác sĩ Tai mũi họng đã tiến hành phẫu thuật nội soi mũi
xoang, lấy sạch khối polyp trong hốc mũi phải, cửa mũi sau bên trái và trong
lòng xoang hàm. Trong quá trình phẫu thuật, tình trạng chảy máu gây nhiều khó
khăn nhưng đã được kiểm soát bằng đông điện. Sau mổ, bệnh nhân dần ổn định, rút
merocel mũi, mũi thông thoáng không chảy máu. Tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát
nguy cơ chảy máu và các bệnh nội khoa kèm theo.
Suy thận giai đoạn 5, còn gọi là bệnh thận giai đoạn cuối,
là giai đoạn nặng nhất của suy thận mạn tính. Ở giai đoạn này, chức năng thận bị
suy giảm nghiêm trọng, với mức lọc cầu thận (GFR) rất thấp, khiến thận không
còn khả năng loại bỏ độc tố, chất thải và nước dư thừa khỏi cơ thể, mọi phẫu
thuật hầu như đều chống chỉ định nếu không phải cấp cứu. Y văn trong nước và thế
giới hầu như rất ít các báo cáo về phẫu thuật trên bệnh lý này. Vì thế quyết định
phẫu thuật cho bệnh nhân là một quyết định rất cân nhắc, cần sự phối hợp giữa
nhiều chuyên gia để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.