|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bộ Y tế kêu gọi nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa
[ Cập nhật vào ngày (28/12/2024) ]
- [ Số lần xem: 74 ]
|
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu kêu gọi nâng cao ý thức phòng bệnh, chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa. Ảnh: Bộ Y tế. |
Sáng 26/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến
tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và Kế hoạch phòng, chống
bệnh truyền nhiễm năm 2025 để hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12).
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu
Sở Y tế TP Cần Thơ, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận/huyện đến dự.
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng
Cục Y tế dự phòng, cho biết, năm 2024, các đợt bùng phát dịch bệnh mpox, dịch tả,
bại liệt, Marburg... xảy ra tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới như là sự
cảnh báo rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi
quốc gia. Tại Việt Nam, trong năm 2024, các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả
nước cơ bản được kiểm soát; không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm
nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập vào Việt Nam; nhưng một số bệnh
truyền nhiễm có số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ 2023: ghi nhận 38.364 ca sốt
phát ban nghi sởi (tăng 94 lần), 6.725 ca sởi dương tính (tăng 130 lần), 13 ca
tử vong (tăng 13 ca); bệnh ho gà ghi nhận 1.074 ca (tăng 21,9 lần); 84 ca dại tử
vong (tăng 2 ca), một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại
một số địa phương... Các đại biểu dự tại điểm cầu Sở Y tế TP Cần
Thơ. Ảnh: Thiên Thanh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Hưởng ứng Ngày Quốc
tế phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh
cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội. Đồng thời đề nghị
các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành Y tế, huy động sự tham gia của
các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế trong công
tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế
dịch bệnh lây lan, bùng phát. Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban, ngành, địa
phương, các cơ quan, tổ chức quốc tế và cộng đồng xã hội khẩn trương tổ chức thực
hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ về y tế dự phòng, y tế cơ sở và phòng chống bệnh truyền nhiễm. Để phòng bệnh sởi, hãy đưa trẻ đi tiêm
phòng vắc xin sởi đầy đủ và đúng lịch. Ảnh: Thiên Thanh.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo
việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh
truyền nhiễm năm 2025 và nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và
phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự
kiện khẩn cấp về y tế công cộng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền
các cấp trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị các phương án ứng phó với
các tình huống xảy ra của dịch bệnh.Chung tay xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh
hơn, người dân cần nâng cao ý thức và chủ động các biện pháp phòng bệnh cá
nhân, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm
2024:
“Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch;
cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai”
Ngày 07/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua
Nghị quyết A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch
bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này
do Việt Nam đề xuất. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ động tổ chức và vận
động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm
ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh hàng năm.
Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Tổng Thư
ký Liên hợp quốc đã đưa ra thông điệp: “Cùng nhau thực hiện các cam kết trong
phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại
dịch trong tương lai”.
COVID-19 là một lời cảnh tỉnh đối với toàn thế giới. Hàng
triệu sinh mạng đã mất, nền kinh tế bị tàn phá, hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn
và cuộc sống hàng ngày của toàn nhân loại bị đảo lộn.
Cuộc khủng hoảng có thể đã qua, nhưng bài học kinh nghiệm
sâu sắc vẫn còn đó: thế giới vẫn thiếu sự chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Các
đợt bùng phát dịch bệnh mpox, dịch tả, bại liệt, Marburg...vẫn xảy ra là lời nhắc
nhở rõ ràng rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi
quốc gia.
Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm nay, Liên Hiệp quốc
kêu gọi các quốc gia hãy thực sự rút ra bài học từ các đại dịch trước đây và
các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong quá khứ để chuẩn bị sẵn sàng cho đại
dịch tiếp theo.
Để làm được điều này, cần xây dựng hệ thống y tế công cộng,
y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu vững mạnh và thực hiện cam kết về bao phủ
y tế toàn dân. Điều này có nghĩa là cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào công tác
giám sát, phát hiện và ứng phó với đại dịch và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng
đối với công cụ thiết yếu là vắc xin, sinh phẩm chẩn đoán và thuốc điều trị.
Quan trọng nhất, chúng ta cần đoàn kết toàn cầu. Liên Hiệp
quốc kêu gọi các quốc gia cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại
dịch; cùng nhau hành động mạnh mẽ hơn, để ngăn ngừa và kiểm soát các đại dịch
trong tương lai. |
Thiên Thanh
-
In bài viết
|
|
|
|
|