Sáng 25/12/2024, tại TP Cần Thơ, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh
đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở khu vực phía
Nam. Lãnh đạo và đại diện Cục Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức
khoẻ Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật của 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam, đến dự.
Theo các chuyên gia, năm 2024, ở khu vực phía Nam không xảy
ra dịch chồng dịch. Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp;
sốt xuất huyết, tay chân miệng có nguy cơ gia tăng. Ông Lương Chấn Quang, Trưởng
Khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết:
Trong năm 2024, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết giảm 21%; bệnh tay chân
miệng giảm 57%; đậu mùa khỉ giảm 38%. Hóa chất, thuốc điều trị đầy đủ; đã có
11/20 tỉnh, thành có phê duyệt định mức chi cho hoạt động y tế dự phòng. Tuy
nhiên, bệnh sởi tăng 82 lần; ho gà tăng 150 ca; não mô cầu tăng 8 ca. Trong khi
đây là những bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Ngoài ra, bệnh dại ghi nhận
24 ca (tăng 5 ca). Sau 10 năm, ghi nhận
1 ca cúm A/H5N1. Trong 11 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận 14 ổ dịch cúm gia cầm
ở 9 tỉnh, trong đó khu vực phía Nam có 9 ổ dịch cúm gia cầm ở 5 tỉnh.
Ông Lương Chấn Quang, Trưởng Khoa Kiểm
soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị
tổng kết hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở khu vực phía Nam.
Về bệnh đậu mùa khỉ, khu vực phía Nam ghi nhận 74 ca đậu mùa
khỉ, 3 ca tử vong, tích lũy từ năm 2023 đến nay là 209 ca, 9 ca tử vong. Đáng
lưu ý là tình trạng bệnh sởi. Tính từ đầu năm 2024 đến 20/12, phía Nam ghi nhận
28.255 ca mắc (so với đợt dịch 2018-2019 tăng 5,3%). Trong đó, 35% số ca sởi là
phát hiện trong nhóm từ 12 tháng đến 5 tuổi; 20,3% trong nhóm từ 6-10 tuổi. Cả
khu vực phía Nam đã tiêm phòng sởi đạt tỷ lệ 90,2%.
Khó khăn hiện nay là còn 9/20 tỉnh, thành chưa phê duyệt định
mức chi cho hoạt động y tế dự phòng (thay thế Thông tư 26). Định mức phê duyệt
thấp và thiếu, ví dụ như tiêm chủng mở rộng không có công điều tra trẻ, mời trẻ,
công tiêm. Nhân sự thay đổi liên tục, chưa được huấn luyện, chưa có kỹ năng… Một
số hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm đã 12 năm
chưa được cập nhật, thay đổi theo tình hình thực tế. Trong khai báo bệnh truyền
nhiễm phối hợp trường học - y tế và quản lý ca cộng đồng chưa chặt chẽ; rà soát
tiêm chủng trong trường học, phối hợp trường học - y tế chưa đồng bộ.
Các đại biểu dự hội nghị tổng kết hoạt
động phòng, chống dịch bệnh ở khu vực phía Nam.
Ông Dáp Thanh Giang, Trưởng khoa
Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ báo cáo tham luận
công tác phòng chống HIV/AIDS trên nhóm nguy cơ cao.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết hoạt động
phòng, chống dịch bệnh ở khu vực phía Nam.