Đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 19/12/2024, tại TP Cần Thơ, Cục Quản lý môi trường y tế
- Bộ Y tế tổ chức Hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó
với biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm
2050. Đại diện Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
33 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Cà Mau… tham dự hội thảo.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu
tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo
vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến
đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ban
hành tại Quyết định số 7562/QĐ-BYT ngày 24-12-2018. Sau 5 năm triển khai thực
hiện Kế hoạch, Cục Quản lý môi trường y tế chọn 1 đơn vị tư vấn tiến hành đánh
giá tiến độ thực hiện các chỉ số mục tiêu và các nhiệm vụ ưu tiên của Kế hoạch
đến thời điểm hết năm 2023.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh:
Lê Huy.
Báo cáo sơ bộ cho thấy tất cả tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch
ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế hoặc nội dung ứng phó với biến đổi
khí hậu của ngành y tế được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương, hoặc đưa vào kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm của ngành y tế tuyến tỉnh.
Tất cả tỉnh, thành đã rà soát và quy hoạch mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng
điều kiện biến đổi khí hậu; gần 32% cơ sở khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh
tại các vùng có nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan được
xây mới, nâng cấp; trên 69% cơ sở y tế xây mới có áp dụng các giải pháp nhằm ứng
phó với các tác động của biến đổi khí hậu; trên 68% trạm y tế tại các địa bàn dễ
bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu có đủ năng lực và cơ sở vật chất
đảm bảo đáp ứng một cách có hiệu quả với các tình huống thiên tai và thời tiết
cực đoan...
Khó khăn, thách thức là thiếu cơ chế, chính sách rõ ràng phù
hợp với địa phương; thiếu sự phối hợp liên ngành; không đủ dữ liệu, thông tin
cho việc lập kế hoạch; chưa có sự đồng thuận từ cộng đồng...
Các đại biểu dự hội nghị
chụp hình lưu niệm. Ảnh: Lê Huy.
Từ nghiên cứu sơ bộ, đưa ra các đề xuất, kiến nghị: tăng cường
công tác quản lý, tăng cường vai trò của Sở Y tế; xây dựng, bố trí nguồn lực
cho kế hoạch trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ kinh phí hằng năm cho việc triển
khai các nhiệm vụ của Kế hoạch; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành; bổ
sung nhân lực có chuyên môn biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần có sự đồng nhất
triển khai xây dựng bộ dữ liệu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với
các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, qua đó có đánh giá tổng hợp đa chiều và trực
quan nhất để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu với ngành y tế. Cần thành lập
hội đồng chuyên sâu để thực hiện đánh giá toàn diện tác động của biến đổi khí hậu
với ngành y tế nói chung và sức khỏe toàn dân nói riêng; hỗ trợ mua trang thiết
bị phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng phần mềm báo cáo thực hiện kế hoạch
ứng phó biến đổi khí hậu.