Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn,
làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc
sinh hoạt và sản xuất của con người.
Rác hữu cơ những phần thực phẩm thừa, cá thịt… hay
các loại rau củ trong bữa ăn hàng ngày. Rác vô cơ những loại rác không
thể sử dụng và cũng không thể tái chế được bao gồm các loại vỏ sò, vỏ
ốc, đồ cao su, ly, chén, cốc, bình thủy tinh bị vỡ, gỗ, đá, gạch,… Nếu chúng
ta chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như: tốn diện tích lớn
cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi
trường... Theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau, rác vô cơ mới có
thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt
môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn
trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu
dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân
thiện với môi trường.
Lễ khởi động xây dựng thí điểm Mô hình “Thu gom,
phân loại rác thải” tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, phường An Phú - Ảnh: Minh Hằng
Thực tế hiện nay, rác thải chưa được các gia đình
quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt
đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải
thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc
phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Việc xử lí rác thải
là một vấn đề khách quan và rất cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản
xuất kinh doanh của con người. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng đã trở thành một
vấn đề vô cùng nghiêm trọng không chỉ bởi người dân và một số cơ sở thường
xuyên xả các loại nước thải ra môi trường mà còn là do rác thải gây ô nhiễm nguồn
nước gây ra.
Ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác
đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là
tất cả các loại rác bao gồm: thực phẩm thừa, vật dụng hỏng … đều được bỏ
chung một túi hoặc thùng rác mà không cần biết trong
đó rác thải có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.
Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn sẽ làm giảm tải
trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu
được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Do
vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ
gia đình là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.
* Ý nghĩa của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn:
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp
phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc
tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến.
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp
phần giảm thiểu ô nhiễm.
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp
phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi
trường.
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp
phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm
tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn làm
giảm lượng tỷ lệ chất thải rắn trơ chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô
nhiễm môi trường.
- Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm
tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng.