Hội thảo tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bệnh lây nhiễm
Ngày 29/9/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ tổ
chức Hội thảo “Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bệnh
không lây nhiễm”. Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cùng các sở,
ban ngành, BHXH, Viettel, lãnh đạo và cán bộ của các bệnh viện, trung tâm y tế,
trạm y tế trên địa bàn thành phố đến dự.
Các bệnh không lây như: ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo
đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
tại Việt Nam. Ước tính cả nước có khoảng 22 triệu người mắc. Cứ 10 người tử
vong thì có gần 8 người tử vong do các bệnh không lây. Ước tính năm 2016, Việt
Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do bệnh không lây chiếm 77%
(424.000 ca), 44% số ca tử vong do bệnh không lây là trước 70 tuổi. Gánh nặng
bệnh tật do bệnh không lây chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật.
Ông Hồ Hữu Tính, Khoa Dịch tễ,
Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh trình bày về quản lý điều trị và thống kê
báo cáo bệnh không lây nhiễm.
Bệnh không lây thường có chung một số yếu tố nguy cơ về
hành vi như hút thuốc lá, uống rượu, bia, dinh dưỡng, hoạt động thể lực; bệnh
tăng huyết áp, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loại mỡ máu....Vì vậy,
kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung của bệnh không lây có vai trò quan trọng
hàng đầu.
Hiện ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm số
ca mắc trong cộng đồng dựa trên nền tảng y học dự phòng và chăm sóc sức khỏe
ban đầu. Tiếp cận theo cả chu trình và cuộc đời. Tiếp cận toàn diện bao gồm nâng
cao sức khỏe, dự phòng, điều trị sớm, điều trị lâu dài, phục hồi chức năng. Thực
hiện lồng ghép phòng chống yếu tố nguy cơ chung (hút thuốc, uống rượu, dinh
dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực) để phòng chống đồng thời một số bệnh
không lây (tim mạch, đái tháo đường, ung thư, COPD). Lồng ghép vào các dịch vụ
chăm sóc sức khỏe ban đầu: bệnh không lây là bệnh mạn tính ngoài giai đoạn cấp
tính điều trị tại bệnh viện, còn hầu hết thời gian cần phải theo dõi, quản lý
điều trị lâu dài tại cộng đồng.
Các đại biểu dự hộ thảo.
Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng cũng cần
được quan tâm, phát hiện sớm. Người bệnh tâm thần thường được đưa đến các cơ sở
y tế khi đã muộn, do: nhiều rối loạn tâm thần xuất hiện rất chậm và từ từ, mất
nhiều tuần mới phát hiện; một số người cảm thấy xấu hổ khi có bệnh tâm thần và
cố gắng giấu không cho ai biết về bệnh tình; người thân đưa bệnh nhân tâm thần
đến thầy cúng chữa trị,…
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố
cho rằng: Để phòng, chống các bệnh không lây và rối loạn sức khỏe tâm thần
không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế và còn phụ thuộc sự phối hợp của các cơ
quan liên quan. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự chung tay vào
cuộc của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là
người dân trong việc tuân theo hướng dẫn và khuyến cáo của ngành y tế như tập
thể dục thường xuyên, hạn chế bia rượu, giảm muối trong thực phẩm khi chế biến
và từ bỏ thói quen hút thuốc lá… để góp phần nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh
tật.