Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9/2023: Hãy chủ động phòng, chống bệnh dại, vì một sức khỏe, không tử vong
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có
khoảng 60.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin
phòng dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như
100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người bị động vật
nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.
Những điều cần biết về bệnh dại
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh viêm não tủy
cấp tính do vi rút lây từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, cào cấu, liếm
lên trên da bị trầy xước hoặc vùng niêm mạc. Vi rút dại từ nước bọt của động vật
mắc bệnh dại xâm nhập vào mô qua vết thương theo hệ thần kinh ngoại biên đến thần
kinh trung ương tấn công vào bộ não theo
thần kinh ly tâm phát tán khắp cơ thể.
BS. CKI Lê Phúc Hiển, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ,
cho biết: Thời kỳ ủ bệnh dại hiếm khi dưới 9 ngày, trung bình từ 1 đến 3 tháng
hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của
vết cắn, vị trí vết cắn, khoảng cách vết cắn đến não và số lượng vi rút xâm nhập.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là: sợ
nước, sợ gió, sợ ánh sáng (thể dại điên cuồng); hoặc các triệu chứng liệt
(thể dại liệt), tiến triển tới hôn mê và thường tử vong. Bệnh dại nguy hiểm
nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng vắc xin.
Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành nhiều năm. Năm 2021, cả
nước có 66 trường hợp bị tử vong do bệnh dại. Năm 2022, số ca tử vong do bệnh dại
lại tiếp tục tăng lên 70 trường hợp. Đặc biệt, 07 tháng đầu năm 2023 đã có 48
trường hợp tử vong, tăng 12 ca so với cùng kì 2022.
Từ đầu năm đến đầu tháng 7/2023 có 3.352 lượt người được đưa
đến tiêm vắc xin ngừa bệnh dại (những người này đều bị chó, mèo, dơi... cào, cắn)
tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ. Trong đó có người già và trẻ em bị
chó, mèo cắn và cào. Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ em hay tiếp xúc gần gũi với
chó, mèo; vì vậy cha mẹ cần nhận thức được nguy cơ của bệnh dại cũng như cách xử
lý ban đầu khi trẻ bị chó, mèo cắn. Phòng bệnh bằng vắc xin dại cho người và động
vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người.
* Khuyến cáo phòng chống bệnh dại
Tại Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu. Nguyên
nhân chủ yếu của bệnh dại là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng dại triệt để,
hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người ở nơi công cộng vẫn
phổ biến làm cho số người bị chó cắn tăng cao, nhiều người bị chó cắn đã chủ
quan không đến cơ sở y tế tiêm phòng, bị phát bệnh dại và tử vong. Vì vậy, cách
phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại
hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường
phải mang rọ mõm, không để chó chạy rông bên ngoài và không nên đùa nghịch, chọc
phá các con vật nuôi. Tại các đô thị, nơi đông dân cư, nuôi chó phải đăng ký với
địa phương.
Hiện nay, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa
phương, kể cả ở những tỉnh/thành vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại.
Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ
Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó,
mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
- Khi bị chó, mèo cắn cần:
+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà
phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước
thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
+ Vết thương cần được rửa sạch với bằng cồn sát khuẩn thông
thường, Povidine…
+ Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
+ Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng
dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
+ Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong
việc phòng ngừa bệnh dại, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần
Thơ phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn phòng, chống bệnh Dại và quản
lý đàn chó, mèo nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các cán bộ Trạm chăn nuôi,
Trạm Y tế, cộng tác viên y tế mạng lưới trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Các buổi
tập huấn được các báo cáo viên triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên
quan quản lý, bắt và xử lý chó, mèo thả rông nơi công cộng; phòng, chống bệnh Dại
trên động vật: Hướng dẫn phòng, chống bệnh Dại trên động vật và Hướng dẫn giám
sát, phòng, chống bệnh Dại trên người.
Tiêm ngừa vắc xin dại là biện pháp duy nhất phòng tránh được
tử vong do bệnh dại. Nuôi chó, mèo là việc riêng của mỗi gia đình nhưng người
nuôi phải có ý thức tiêm phòng cho chó, mèo nuôi; nhốt cẩn thận, tránh gây ảnh
hưởng đến người xung quanh. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hãy cùng chung tay loại
trừ bệnh dại!