Sáng 4/2/2017, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ tổ chức lễ khai
trương Đơn vị Y học hạt nhân và họp mặt nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống
ung thư (4/2/2008 - 4/2/2017).
Ông
Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, phát biểu chỉ đạo tại lễ
khai trương Đơn vị Y học hạt nhân.
GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; PGS.TS
Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân - Bộ Khoa học và
Công nghệ; ông Lê Hùng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Lê Văn
Tâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cùng lãnh đạo các bệnh viện, các
đơn vị y tế khu vực ĐBSCL đến dự.
GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, PGS.TS
Nguyễn Tuấn Khải, ông Lê Hùng Dũng, ông Lê Văn
Tâm và BS.CKII Lê Quốc Chánh cắt băng khai trương Đơn vị Y học hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu TP Cần
Thơ.
Theo BS.CKII Lê Quốc Chánh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP
Cần Thơ, y học hạt nhân là chuyên ngành sử dụng các đồng vị phóng xạ hay các
dược chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh. Y học hạt nhân có vai trò rất
quan trọng trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Qua hơn hai năm đào tạo nguồn
lực cho Đơn vị Y học hạt nhân, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí
Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Môn Y học hạt nhân trường Đại học Y Hà Nội, bệnh
viện đã đào tạo được hai ê kíp y học hạt nhân thực hiện kỹ thuật đồng bộ. Được
sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, bệnh viện đã đầu tư được hệ thống máy SPECT
hai đầu thu, labo hot lab và cải tạo cơ sở vật chất cho đơn vị với tổng kinh
phí hơn 17 tỷ đồng.
GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, PGS.TS
Nguyễn Tuấn Khải, ông Lê Hùng Dũng, ông Lê Văn
Tâm, BS.CKII Cao Minh Chu tham quan hệ thống SPECT và cơ sở vật chất Đơn vị Y học hạt nhân, Bệnh
viện Ung bướu TP Cần Thơ.
Hệ thống SPECT chẩn đoán và điều trị ung thư liên quan đến y
học hạt nhân như: xạ hình xương, xạ hình tuyến giáp, đo độ tập trung...; các kỹ
thuật điều trị các bệnh lý cường giáp, nhân độc tuyến giáp, ung thư tuyến giáp
và các ung thư di căn xương. Ngoài ra, hệ thống còn phục vụ trong chẩn đoán một
số bệnh lí về thận, gan, lách, tim mạch, xương khớp, não… Việc khai trương Đơn
vị Y học hạt nhân và hệ thống SPECT sẽ giúp cho hàng trăm bệnh nhân ở khu vực
ĐBSCL giảm chi phí đi lại, chẩn đoán và điều trị cũng như giảm tải cho các bệnh
viện tuyến trên.
PGS.TS
Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân - Bộ Khoa học và
Công nghệ trao giấy Chứng nhận An toàn bức xạ cho Bệnh viện Ung bướu TP Cần
Thơ.
Năm 2017, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ được mở rộng và đưa
vào hoạt động cơ sở 2. Điều này không chỉ giúp giảm tải mà còn tạo điều kiện
thuận lợi cho bệnh viện, triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới.
Hiện nay, UBND đang chuẩn bị mọi điều kiện để đầu tư xây
dựng mới Bệnh viện Ung bướu thành phố quy mô 500 giường do chính phủ Hungary
tài trợ, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân Cần Thơ và các tỉnh trong
vùng ĐBSCL.