Ngày 23/4/2024, Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ tổ chức
Hội nghị công bố Quyết định loại trừ bệnh phong cấp quận, huyện năm
2024. Tham dự có ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP
Cần Thơ; ông Bùi Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM; ông
Huỳnh Văn Bá, Trưởng Bộ môn Da liễu trường Đại học Y Dược Cần Thơ cùng
lãnh đạo, cán bộ quán lý Chương trình phòng chống bệnh phong của 9
quận, huyện đến dự.
Theo báo cáo, thành phố Cần Thơ được công nhận loại
trừ bệnh phong quy mô cấp thành phố năm 2010, tổng số bệnh nhân phong
còn quản lý là 87 bệnh nhân; tỷ lệ lưu hành/10.000 dân là 0,03; tỷ
lệ phát hiện/10.000 dân là 0,33. Từ năm 2010-2019, Bệnh viện Da liễu TP
Cần Thơ lập kế hoạch loại trừ bệnh phong cho cấp quận, huyện; giám
sát hỗ trợ chuyên môn cũng như công tác kiện toàn hệ thống mạng lưới
chuyên khoa tuyến quận, huyện. Năm 2019, công nhận loại trừ bệnh phong
quy mô cấp quận, huyện ở 2 quận: Ninh Kiều và Thốt Nốt; tổng số
bệnh nhân còn quản lý sau loại trừ bệnh phong là 53 bệnh nhân. Năm
2020, công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp quận, huyện gồm: Ô Môn,
Cái Răng, Bình Thủy; tổng số bệnh nhân còn quản lý sau loại trừ
bệnh phong là 53 bệnh nhân. Năm 2022, công nhận loại trừ bệnh phong quy
mô cấp quận, huyện gồm: Phong Điền, Cờ Đỏ; tổng số bệnh nhân còn
quản lý sau loại trừ bệnh phong là 43 bệnh nhân. Năm 2023, công nhận
loại trừ bệnh phong quy mô cấp quận, huyện gồm: Vĩnh Thạnh, Thới Lai;
tổng số bệnh nhân còn quản lý sau loại trừ bệnh phong là 45 bệnh
nhân. Như vậy, TP Cần Thơ đã loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh và
quy mô 9 quận, huyện.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó
Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thời gian qua, công tác loại trừ bệnh phong được sự
quan tâm chỉ đạo của UBND, Sở Y tế, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật
của Bệnh viện Da liễu TP HCM, cùng chính quyền địa phương, ban ngành
đoàn thể tại các quận, huyện. Bên cạnh đó, công tác truyền thông
giáo dục sức khỏe ngày càng phát huy hiệu quả, phổ biến sâu rộng
với hình thức đa dạng và phong phú; tinh thần trách nhiệm và nhiệt
tình của cán bộ chương trình phòng chống bệnh phong từ cấp thành
phố đến quận, huyện. Tuy nhiên, chương trình có cũng khó khăn như: kinh
phí thường xuyên bị cắt giảm; cán bộ chương trình thường xuyên thay
đổi, kiêm nhiệm; gánh nặng cho tuyến y tế cơ sở trong giám sát, chăm
sóc bệnh nhân tàn tật, bệnh nhân hoàn thành đa hóa trị liệu…

Ông Bùi Mạnh Hà, Phó Giám đốc
Bệnh viện Da liễu TP HCM phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị cũng đề ra giải pháp nhằm hướng tới không
còn bệnh phong. Giải pháp về nguồn nhân lực: thường xuyên tập huấn
nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách. Giải pháp về kiểm tra, giám
sát: khám tiếp xúc, vãng gia hướng dẫn chăm sóc tàn tật, phát hiện
bệnh nhân; củng cố công tác quản lý hồ sơ, sổ sách, hệ thống báo
cáo… Duy trì thường xuyên công tác truyền thông giáo dục sức khỏe,
giảm bớt kỳ thị, xa lánh đối với người bệnh phong, tạo điều kiện
để họ trở lại hoài nhập cộng đồng. Giải pháp chuyên môn kỹ thuật: chuẩn
bị đủ thuốc men, hóa chất, dụng cụ phòng ngừa tàn tật…; thực hiện
định kỳ giám sát, lấy máu xét nghiệm, đánh giá chức năng thần kinh;
nâng cao năng lực khám phát hiện bệnh để bệnh nhân biết các dấu hiệu
sớm của bệnh, đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời; phát hiện
sớm bệnh nhân tiềm ẩn ở cộng đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục chủ trương
xã hội hóa và vận động mạnh thường quân hỗ trợ bệnh nhân phong tàn
tật được tái hoài nhập với cộng đồng.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP
Cần Thơ cho biết công tác phòng chống bệnh phong đã được thực hiện
thường xuyên và xuyên suốt, trải qua quá trình nhiều năm. Lãnh đạo Sở
Y tế ghi nhận và chúc mừng thành quả các quận, huyện đã đạt được
trong loại trừ bệnh phong. Song song đó, Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ
cùng các quận, huyện cần tiếp tục duy trì thành quả, ổn đinh và
phát triển hệ thống mạng lưới chuyên môn kỹ thuật tại cộng đồng,
tạo tiền đề cho nhiệm vụ thanh toán bệnh phong.

Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Bệnh viện
Da liễu TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.