Thông tin chính xác về vắc xin phòng COVID-19 là cực kỳ quan
trọng và có thể giúp ngăn chặn những lời đồn thất thiệt. Sau đây, BS.CKI Trường
Quốc Chiến, Trưởng Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe - Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật TP Cần Thơ giải đáp những lời đồn thất thiệt, quan niệm sai lầm về tiêm vắc
xin phòng COVID-19.
* Quan niệm 1: Vắc xin được phát triển quá nhanh chóng. Tôi lo
lắng về chất lượng, không biết rằng họ hiểu biết đầy đủ về vắc xin.
- Sự thật: Những loại vắc xin này có thể được sản xuất nhanh
chóng và vẫn an toàn vì đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành về chủng vi rút
gây bệnh COVID-19 trước khi chủng vi rút này xuất hiện. Vì vậy, các nhà khoa học
đã có một khởi đầu thuận lợi về loại vắc xin nào sẽ hoạt động tốt nhất để kháng
lại chủng vi rút này.
Trong khi tất cả các bước phải được tuân thủ để phát triển
ra một loại vắc xin mới và đảm bảo rằng quy trình sản xuất vắc xin an toàn đã
được tuân thủ, một số bước đã được thực hiện cùng lúc thay vì được thực hiện lần
lượt.
Trên thực tế, các loại vắc xin đã được phê duyệt để bảo vệ
chống lại COVID-19 đã được nghiên cứu thử nghiệm trên người tình nguyện, trong
đó bao gồm những người trưởng thành ở mọi độ tuổi và các nhóm chủng tộc và dân
tộc khác nhau, và được phát hiện là hoạt động rất hiệu quả, an toàn như nhau
cho tất cả mọi người.

Nhân viên Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ thực hiện tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) cho
người dân.
* Quan niệm 2: Vắc xin có thể khiến người tiếp nhận mắc bệnh
COVID-19
- Sự thật: Các loại vắc xin hiện tại không chứa vi rút dưới
bất kỳ dạng nào. Không có vi rút sống, không có vi rút suy yếu, không có vi rút
chết. Vì vậy, không thể mắc bệnh từ việc tiêm vắc xin.
Thực tế rất dễ bị nhầm lẫn về nhiễm bệnh và tác dụng phụ của
vắc xin, người tiêm có thể cảm thấy một số tác dụng phụ trong một thời gian sau
khi được tiêm vắc xin. Trên thực tế, khoảng một nửa số người tình nguyện thử nghiệm
các loại vắc xin này đã gặp một số tác dụng phụ: hầu hết các tác dụng phụ này đều
nhẹ và không cần điều trị. Tuy nhiên, những gì họ cảm thấy không phải là
COVID-19, thậm chí không phải là trường hợp nhẹ của COVID-19. Họ cảm thấy các
triệu chứng khi hệ miễn dịch có phản ứng, có nghĩa là vắc xin đang sản sinh các
kháng thể để bảo vệ họ khỏi COVID-19.
* Quan niệm 3: Vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng khả năng
sinh sản, gây vô sinh.
- Sự thật: Đây là một kết luận hoàn toàn tùy tiện được đưa
ra mà không có bằng chứng. Các chuyên gia nhấn mạnh, vắc xin phòng COVID-19
không ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản, không có bất kỳ bằng chứng nào chứng
minh rằng vắc xin gây vô sinh.
* Quan niệm 4: Không cần tiêm vắc xin nếu đã mắc COVID-19
- Sự thật: Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC)
Hoa Kỳ khuyến cáo, những người đã mắc COVID-19 vẫn nên tiêm phòng. Tuy nhiên, mọi
người có thể cân nhắc việc trì hoãn tiêm trong 90 ngày sau khi khỏi bệnh
COVID-19.
Khả năng miễn dịch mà bạn nhận được khi bị nhiễm COVID-19 chỉ
tồn tại trong vài tháng trong khi khả năng miễn dịch từ vắc xin tồn tại lâu
hơn. Vì vậy, nếu bạn đã mắc bệnh này một thời gian trước, bạn có thể vẫn bị mắc
trở lại, hoặc nếu bạn mắc bệnh gần đây, bạn sẽ được bảo vệ lâu hơn với vắc xin.
Thêm nữa, hiện nay có nhiều biến thể của COVID-19. Việc đã mắc
COVID-19 chỉ cung cấp khả năng miễn dịch đối với biến thể cụ thể đó, trong khi
vắc xin dường như làm giảm nguy cơ đối với nhiều biến thể khác nhau.
* Quan niệm 5: Không cần phải đeo khẩu trang sau khi tiêm vắc
xin COVID-19
- Sự thật: CDC Hoa Kỳ cho hay những người đã được chủng ngừa
COVID-19 đầy đủ, bất kể là loại vắc xin nào, vẫn nên tiếp tục duy trì thói quen
mang khẩu trang ở nơi công cộng. Bởi tại thời điểm này, chưa thể kết luận mọi
loại vắc xin đang lưu hành đã tiêu diệt được 100% biến thể của SARS-CoV-2, do
nhiều biến thể có thể vẫn chưa được tìm ra.
* Quan niệm 6: Sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 gây tác dụng
phụ bị rụng tóc, suy giảm trí nhớ.
- Sự thật: Sau tiêm vắc xin COVID-19 bị rụng tóc hoặc suy giảm
trí nhớ là không có căn cứ để khẳng định. Mỗi cá thể có đáp ứng khác nhau và
hoàn toàn có thể bị tác động bởi một lý do nào đó trùng hợp sau tiêm vắc xin.
Ví dụ như: căng thẳng, stress, thiếu cân bằng dinh dưỡng, thậm
chí tới khoảng thời gian dễ bị tóc rụng sinh lý, tóc rụng theo mùa... cũng có
thể khiến bị rụng tóc và làm bạn lo lắng vì điều đó. Tương tự vậy, việc suy giảm
trí nhớ, “quên quên nhớ nhớ” cũng có thể bị tác động bởi do những căng thẳng,
cơ thể thiếu dinh dưỡng, stress kéo dài...
Các chuyên gia khuyến cáo, cần bổ sung chất dinh dưỡng, bổ
sung các loại hạt (hạt chia, hạnh nhân, óc chó, bí ngô...) cùng một số loại thực
phẩm tốt cho tóc vào chế độ ăn uống. Đảm bảo giữ đúng nguyên tắc: Không bỏ bữa
sáng, Không loại bỏ cơm khỏi chế độ ăn, Không ngủ muộn. Tham khảo ý kiến bác sĩ
hoặc chuyên gia dinh dưỡng về bổ sung 3 loại vitamin: B12, D3 và C giúp chống rụng
tóc. Lời khuyên của các bác sĩ như sau: Tránh nhiệt độ quá cao và các phương
pháp điều trị hóa chất cho tóc; sử dụng dầu gội không chứa sulfat; nếu rụng nhiều
tóc và dẫn đến hói đầu, hãy đến khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều
trị.
Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến cáo mỗi người cần xây
dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất và rèn luyện
sức khỏe; tham gia vào các hoạt động kích thích nhận thức; tham gia và tương
tác xã hội thường xuyên; ngủ đủ từ 7-8 giờ mỗi đêm.
Lợi ích từ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19
Theo CDC Hoa Kỳ, tiêm vắc xin phòng COVID-19 có nhiều lợi
ích như:
+ Vắc xin phòng COVID-19 đều có hiệu quả trong việc bảo vệ mọi
người không bị bệnh nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa bị tử vong - đặc
biệt là những người đã tiêm mũi nhắc lại.
+ Cũng giống như với vắc xin phòng các bệnh khác, mọi người
được bảo vệ tốt nhất khi tiêm đầy đủ và đúng hạn với số liều và mũi tiêm nhắc
được khuyến nghị.
+ Vắc xin phòng COVID-19 có thể tăng khả năng bảo vệ cho người
từng mắc COVID-19, bao gồm tránh khỏi nguy cơ nhập viện khi nhiễm lần nữa.
+ Vắc xin phòng COVID-19 an toàn - an toàn hơn rất nhiều so
với khi bị nhiễm COVID-19. |