Thứ Bảy, ngày 07-12-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Cần Thơ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu cho trẻ 7 tuổi
[ Cập nhật vào ngày (25/11/2024) ] - [ Số lần xem: 148 ]
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh uốn ván - bạch hầu.
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh uốn ván - bạch hầu.

Để chủ động ứng phó với tình hình bệnh uốn ván - bạch hầu (Td) và thực hiện các hướng dẫn của Trung ương, ngày 20/11/2024, Sở Y tế TP Cần Thơ ban hành kế hoạch số 5280/KH-SYT về việc triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại TP Cần Thơ năm 2024.

Theo đó, vắc xin phòng uốn ván - bạch hầu (Td) sẽ được đưa vào trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ em 7 tuổi trên địa bàn thành phố với mục tiêu đạt trên 90% tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trên toàn thành phố. Đồng thời, đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo các quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế của Bộ Y tế về an toàn tiêm chủng.

Thời gian triển khai là 03 ngày, từ ngày 11-13/12/2024. Đối tượng triển khai bao gồm: tại trường học: học sinh đang học lớp 2, năm học 2024-2025 (bao gồm tất cả trẻ đủ 7 tuổi và trên 7 tuổi); tại cộng đồng: trẻ đủ 7 tuổi không đi học (trẻ có ngày sinh từ 01/01/2017 đến 31/12/2017).

Để tổ chức tiêm chủng đạt hiệu quả, Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện phối hợp và chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng Giáo dục - đào tạo, Trung tâm Y tế, UBND các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể liên quan lập kế hoạch, tổ chức rà soát đối tượng và tổ chức tốt hoạt động tiêm chủng vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng trước ngày 30/11/2024.

Cùng với đó, Sở Y tế TP Cần Thơ đề nghị các quận, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông (trước và trong khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu), tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc chủ động tiêm chủng vắc xin phòng các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng; thông tin về đối tượng, loại vắc xin, tính an toàn của vắc xin, thời gian, địa điểm triển khai tiêm chủng khi có hướng dẫn cụ thể của ngành y tế; hướng dẫn các bà mẹ theo dõi và phát hiện, xử trí phản ứng sau tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Cần Thơ giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu (Td) vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ em 7 tuổi trên địa bàn thành phố; hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế các quận, huyện tổ chức thực hiện. Tiếp nhận, bảo quản và phân bổ vắc xin cho các Bệnh viện, Trung tâm Y tế quận, huyện thực hiện tiêm chủng vắc xin uốn ván - bạch hầu. Triển khai kế hoạch, tập huấn về chuyên môn kỹ thuật cho các Bệnh viện, Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế. Tổ chức giám sát việc thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn, hiệu quả. Điều tra ngay các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng khi được ghi nhận (nếu có).

Uốn ván là bệnh nhiễm độc cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra. Trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương, vết trầy xước, vết thương nhiễm bẩn,… Bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co cứng co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bạch hầu là bệnh được đánh giá là rất nguy hiểm bởi nguy cơ lây lan nhanh và gây biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.

Vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) là vắc xin có thành phần uốn ván, bạch hầu giảm liều sử dụng để phòng bệnh bạch hầu và uốn ván. Hiện nay vắc xin đã được sản xuất trong nước và có thể sử dụng cho đối tượng người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu cho trẻ 7 tuổi có vai trò quan trọng giúp củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Vì sức khỏe của trẻ em, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu đầy đủ và đúng lịch.

Tiêm vắc xin Td để phòng bệnh uốn ván - bạch hầu cho trẻ đủ 7 tuổi

 Ngày 13/06/2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT, trong đó đưa lịch tiêm vắc xin Td cho trẻ em 7 tuổi trên toàn quốc vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Vắc xin Td do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y Tế (IVAC) sản xuất đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, loại 10 liều/lọ, dạng dung dịch có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu giảm liều.

Từ 2019 đến 2024 đã có gần 3,8 triệu liều vắc xin Td được sử dụng cho trẻ em 7 - 8 tuổi đảm bảo an toàn chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng.

LIỀU LƯỢNG, ĐƯỜNG TIÊM: 0,5ml một liều, tiêm bắp

LỊCH TIÊM: Tiêm 01 mũi khi trẻ đủ 7 tuổi

ĐỐI TƯỢNG TIÊM

- Học sinh học lớp 2 năm học 2024 2025

- Trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng

ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ĐƯỢC TIÊM

- Không tiêm cho trẻ dưới 7 tuổi

- Không tiêm cho trẻ đã tiêm đủ 5 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trong quá khứ

- Không tiêm cho trẻ đã tiêm vắc xin có thành phần uốn ván, bạch hầu trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm

- Không tiêm cho các trẻ có tiền sử quá mẫn với thành phần của vắc xin trong các lần tiêm của trước đó

ĐỐI TƯỢNG HOÃN TIÊM

Các trường hợp trẻ đang bị ốm:

- Trẻ sốt trên 38 độ C

- Trẻ đang mắc bệnh cấp tính nhiễm trùng

ĐỊA ĐIỂM TIÊM

- Tại trường học (tiêm cho học sinh lớp 2 năm học 2024-2025)

- Tại Trạm Y tế (tiêm cho trẻ 7 tuổi không đi học và thực hiện tiêm vét)

- Tiêm chủng lưu động (vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn).

Trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc một mũi vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) để củng cố miễn dịch phòng bệnh.


CAN THO TRIEN KHAI UON VAN BACH HAU 02.jpg
Thông tin về tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu.
Bài, ảnh: Đỗ Quyên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập