Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường 14/11: “Mọi người cần nhận biết nguy cơ về bệnh đái tháo đường của mình và biết cách ứng phó”
Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) (14/11/2023)
với chủ đề: “Mọi người cần nhận biết nguy cơ về bệnh ĐTĐ của mình và biết cách ứng
phó” nhằm nhắc chúng ta hãy lắng nghe cơ thể, tự theo dõi, chăm sóc cuộc sống
hàng ngày, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nhằm đẩy lùi căn bệnh này góp
phần bảo vệ tương lai tươi sáng của bản thân và gia đình.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh ĐTĐ là
một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới đang gia tăng nhanh
chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Bệnh ĐTĐ
là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh
nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiểu biết
của cộng đồng về “kẻ giết người thầm lặng” này còn nhiều hạn chế.
Theo số liệu của Hiệp hội Phòng, chống ĐTĐ thế giới, năm
2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái
tháo đường. Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh bệnh này cũng
ngày càng nhiều hơn. Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở
người từ 20 đến 79 tuổi đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua; chi
phí về y tế cho bệnh ĐTĐ cũng tăng lên gấp ba lần.
Những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường.
Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ đang gia tăng
nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp
các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho
sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc ĐTĐ. Đáng chú ý, trong
đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch;
39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh
nhân ĐTĐ bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất
lượng cuộc sống.
Phát biểu tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống
bệnh đái tháo đường (14/11/2023) và Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt
(2/11), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, bệnh ĐTĐ vẫn là một thách thức
toàn cầu đối với sức khỏe và hạnh phúc của các cá nhân, gia đình và xã hội.
Sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu
năng lượng, lối sống ít vận động, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng và lứa tuổi
mắc bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hóa thực sự là một hồi chuông báo động.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống y tế từ Trung ương tới địa
phương và của Bệnh viện Nội tiết Trung ương với vai trò là bệnh viện tuyến cuối
điều trị các bệnh nội tiết-rối loạn chuyển hóa, chỉ đạo tuyến, công tác phòng,
chống bệnh các bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh ĐTĐ đã đạt được những kết
quả đáng ghi nhận.
Ý thức của người dân ngày càng được nâng cao trong việc
phòng bệnh, xây dựng hành vi sức khỏe lành mạnh, tham gia sàng lọc để phát hiện
sớm bệnh ĐTĐ, điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế; người dân được theo dõi, tư
vấn để giảm thiểu biến chứng của bệnh, nhất là phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, nhồi
máu cơ tim, suy thận và các biến chứng nguy hiểm khác.
Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường,
đó là tỷ lệ đái tháo đường dưới 10% (hiện ở mức 7,3%), tỷ lệ tiền đái tháo đường
dưới 20% (hiện ở mức hơn 17%). Tuy nhiên trước tình hình các bệnh không lây nhiễm,
trong đó có bệnh đái tháo đường vẫn có xu hướng gia tăng, thì cán bộ y tế và mỗi
người dân cần đề cao tinh thần phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe hơn nữa để bảo vệ bản
thân và gia đình cũng như xã hội trước các nguy cơ bệnh tật.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp,
nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực, đây là con
đường ngắn dẫn đến bệnh ĐTĐ. Các chuyên gia khuyến cáo cộng đồng giải pháp hữu
hiệu để phòng tránh bệnh đó là duy trì cân nặng hợp lý bằng cách thực hiện chế
độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, rèn luyện sức khỏe.
Kết quả Bộ Y tế điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm ở nhóm
tuổi từ 18-69 cho thấy, trong 5 người trên 65 tuổi thì có một người mắc bệnh ĐTĐ;
tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán gần 70%.
Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc ĐTĐ
tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa
để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.
Do vậy, để phòng tránh bệnh lý này, việc làm thiết thực trước
tiên là điều chỉnh lối sống, thực hiện chế độ dinh dưỡng y khoa, vừa cung cấp
năng lượng đảm bảo cho cơ thể hoạt động, vừa góp phần kiểm soát được cân nặng,
chỉ số đường huyết cho cơ thể. Căn cứ trên tổng trạng sức khỏe và nhu cầu cơ thể,
các bác sĩ chuyên khoa về nội tiết và dinh dưỡng phối hợp đưa ra chỉ dẫn hợp lý
về khẩu phần ăn cho từng cá nhân.
Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người
chúng ta chú ý và quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hàng ngày, thường xuyên
tăng cường hoạt động thể lực. Mọi người cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ,
tầm soát nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ, tiền ĐTĐ, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời,
giúp ngăn chặn quá trình phát triển bệnh và nhiều biến chứng nguy hiểm.
THÔNG ĐIỆP PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
1. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái
tháo đường 14/11.
2. Toàn thế giới quan tâm và chung tay phòng, chống bệnh đái
tháo đường thai kỳ cho phụ nữ vì một sức khoẻ và tương lai hạnh phúc.
3. Mọi người cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết
cách ứng phó với bệnh Đái tháo đường.
4. Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất phát hiện bệnh đái
tháo đường và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
5. Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống được
nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý.
6. Mọi người đừng quên làm xét nghiệm đường máu định kỳ hằng
năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
7. Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ,
kinh tế của cả quốc gia và của mỗi gia đình.
8. Hãy duy trì hoạt động thể lực hằng ngày, chế độ ăn uống
hợp lý để phòng chống bệnh đái tháo đường.
|