Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều vừa phối hợp với Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật thành phố Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn kiến thức và thực hành cho
cộng tác viên về phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào ngày 10/11/2023.
Thành phần tham dự lớp tập huấn: Trưởng khoa và cán bộ
phòng, chống dịch của Khoa Kiểm soát bệnh tật & HIV/AIDS – Cơ sở điều trị
Methadone; Trưởng Trạm Y tế và cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch; tất cả cộng
tác viên phòng, chống dịch của 71 khu vực cùng tham dự.
Tại buổi tập huấn học viên được các báo cáo viên của Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ hướng dẫn các nội dung về Hướng dẫn
giám sát và phòng, chống bệnh tay chân miệng; Sốt xuất huyết Dengue và bệnh đậu
mùa khỉ.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi rút thường
gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em do vi rút thuộc nhóm Enteroviruses gây nên, bao gồm
vi rút Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện đặc trưng của bệnh là
sốt, ban dưới dạng các vết loét gây đau đớn ở niêm mạc miệng và các nốt phỏng
nước trên nền ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân và ở vùng mông. Tuy nhiên không
phải ai nhiễm bệnh cũng xuất hiện triệu chứng và đôi khi triệu chứng duy nhất
là lở miệng và phát ban trên da.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp
tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Thời kỳ ủ bệnh từ 3-14 ngày,
trung bình từ 5-7 ngày. Bệnh nhân là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất
là 5 ngày đầu của sốt là giai đoạn trong máu có nhiều vi rút. Muỗi bị nhiễm vi
rút thường sau 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời.
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp, do virus có “họ
hàng” với bệnh
đậu mùa phổ biến gây ra. Người mắc bệnh thường có các triệu chứng như
phát ban, sốt, đau đầu,… Hầu hết những người nhiễm bệnh đều hồi phục sau
vài tuần, tỷ lệ tử vong không cao. Tuy vậy, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh diễn
tiến nặng, khả năng tử vong cao bao gồm: người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với
virus, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém,…
Qua lớp tập huấn, giúp cho cán bộ y tế cơ sở và cộng tác
viên khu vực được cập nhật thêm những kiến thức, kỹ năng trong công tác phòng
chống dịch bệnh. Đồng thời chủ động phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, xử
lý và báo cáo kịp thời lên cấp trên, không để dịch bệnh lây lan diện rộng và hạn
chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc bệnh và xảy ra ổ dịch trên địa bàn.