Viết về em ... nữ Liệt sĩ ngành Y
Trong niềm vui chung của dân tộc về ngày Tết cổ truyền, những người trong “Đội quân áo trắng” chúng tôi còn có niềm vui riêng là chào đón “Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2”, ngày hội lớn của Ngành Y để cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang về nghề nghiệp của mình, nhắc nhở nhau phải trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề và rèn luyện y đức sao cho xứng đáng “Lương y như Từ Mẫu”.
Trong những ngày náo nức đón mừng xuân này, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động nhớ lại một thời kháng chiến gian khổ mà qua dó tôi được trưởng thành trong sự nuôi dưỡng che chở của đồng bào, đồng chí. Từ một cô thiếu nữ quanh năm chỉ biết công việc ruộng vườn, bếp núc nay trở thành bác sĩ. Niềm cảm xúc bất chợt thôi thúc, giục giã tôi cầm bút viết về em, người con gái quang vinh của ngành y tế chúng ta, đã dũng cảm hy sinh, hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng.
Em là Nguyễn Thị Hồng Hiệp, y tá dân y vùng căn cứ kháng chiến xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Tuổi thơ của Hồng Hiệp là cả một chuỗi ngày gian khổ. Mới lên 10 tuổi, Hiệp cùng 3 em nhỏ phải mồ côi mẹ. Mẹ em là Phan Thị Mai, một người phụ nữ hiền lành chất phác ngày ngày tần tảo nuôi con để chồng là anh Nguyễn Thành Nguyên (Tư Nguyên) có thì giờ đi hoạt động cho cách mạng. Từ một giao liên hợp pháp, anh đã trưởng thành là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) - rồi Chủ tịch - Bí thư xã nhiều nhiệm kỳ, trong thời kỳ chống Mỹ. Lần sanh con thứ năm, mẹ Hồng Hiệp sanh khó, chuyển dạ lâu không sanh được rồi băng huyết chết cả mẹ lẫn con trên đường đi bệnh viện. Nội ngoại hai bên không còn ai, một mình em phải lo cơm nước cho cha, tắm rửa giặt giũ cho các em thay mẹ, còn đảm đương mọi việc trong nhà. Nhưng Hồng Hiệp lại là đứa trẻ rất ham học. Nhà ở gần trường học, mỗi sáng Hiệp lo cho ba và các em ăn xong, ba đi công tác, Hiệp gởi các em cho nhà hàng xóm trông giùm rồi em cắp sách đến trường học chữ. Em nhớ kỹ lời ba nói: “Con phải ráng học chữ để có hiểu biết, lớn lên ba sẽ gởi các cô chú y tế cho con học làm y tá hay cô đỡ cũng được, đặng con giúp đỡ bà con chòm xóm khi đau bệnh kẻo vì xa bệnh viện mà chết như má con thì thật là oan uổng, thương tâm lắm!”.
Học hết cấp I, ba em dắt em lại trạm y tế xã, gởi cho chú Lê Minh, trưởng trạm.
- Con gái tôi tuy quê mùa, nhưng sáng dạ, chăm làm, nay đã học hết lớp năm, tôi gởi chú dạy dỗ, đào tạo nó về chuyên môn y tế sau này phục vụ nhân dân, trước hết là bà con xóm ấp, xã mình.
Những ngày đầu, Hiệp rất bỡ ngỡ, sau mấy tháng, Hồng Hiệp biết tiêm thuốc, thay băng, hấp gạc theo chỉ dẫn của chú Lê Minh. Vừa lúc Ty y tế mở lớp đào tạo y tá ngắn hạn (4 tháng), trạm cử Hồng Hiệp đi học. Nhờ tính chăm chỉ em chuyên tâm học tập nên Hồng Hiệp học đạt loại giỏi rồi được trở về công tác xã nhà.
Cũng thời gian đó, tôi tốt nghiệp trường y sĩ Dân y Khu 9 đào tạo y sĩ xã, được Ban Dân y khu phân công tăng cường cho xã vùng căn cứ giải phóng. Tôi được phân công về xã Hưng Mỹ để chăm nom sức khỏe cho đồng chí, đồng bào ta. Đồng thời kết hợp sơ cấp cứu tuyến đầu thương bệnh binh cho tỉnh Cà Mau cùng với đội phẫu thuật tỉnh - lúc đó anh Việt Hồng làm trưởng đội, đóng tại chùa Cái Bần.
Thế là tôi và Hồng Hiệp, Cam, Hạnh, Phú đều công tác chung, còn anh Lê Minh được chuyển nơi khác, tôi thay anh làm trưởng trạm. Trạm chúng tôi hồi đó tuy cơ sở vật chất nhiều thiếu thốn - trạm xá cất bằng tre lá đơn sơ. Nhờ có đội phẫu nên có cho chúng tôi một số đồ đơn vị “dạt ra”, nhưng còn rất tốt. Giường, vạt, bàn ghế sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, trật tự, vệ sinh...
Nhân viên hầu hết làm việc hai, ba năm, chỉ có Hồng Hiệp là mới ra trường. Lúc này, em vừa tròn 18 tuổi, thời kỳ hồn nhiên và thơ mộng của tuổi thanh xuân. Em có dáng hình tròn trịa, khỏe mạnh của người con gái lao động đồng quê, suối tóc đen mượt mà, mắt em sáng long lanh ánh lên vẻ thông minh hiền dịu, thật thà của người phụ nữ nông thôn.
Đối với Hồng Hiệp, được làm việc trong ngành y tế, hàng ngày tiếp xúc với bông băng và thuốc… chăm sóc cho bà con, cô bác khi đau bệnh là cả một niềm vui và hạnh phúc lớn lao của cuộc đời em. Hình như em hiểu trong nỗi đau rứt ruột của thai phụ đến kỳ sinh nở là hình ảnh người mẹ thân yêu của em thuở nào. Do đó em chẳng quản ngày đêm, mưa nắng, sớm, tối, bom cày, đạn réo, hễ có ai trở dạ, đau yếu là em hăng hái đi tiếp cứu kịp thời. Đã hai lần gặp ca băng huyết mất máu, em đã không ngần ngại hiến dâng dòng máu tươi đỏ của mình 600ml để cứu sống sản phụ (Hương xe lộ). Đặc biệt là với các bệnh nhi, gặp trẻ sốt cao, quấy khóc suốt đêm, Hồng Hiệp luôn ân cần tiếp tay với người nhà bồng bế dỗ dành với thái độ ân cần niềm nở thương yêu bệnh nhân nên Hồng Hiệp luôn được mọi người khen gợi, yêu mến.
Vào những năm 1970 - 1972, Mỹ ngụy thua đau cả hai miền Nam Bắc, chúng vẫn không ngừng đánh phá ác liệt vùng căn cứ giải phóng của ta. Hàng ngày, từ những chi khu quân sự đồn bót Rạch Rún, Cái Nước, Chà Là... chúng liên tục nã pháo vào vùng dân cư. Cứ vài bữa, nửa tháng, chúng mở đợt hành quân càn quét vào vùng giải phóng, tàn ác nhứt là Sư đoàn 21. Trước khi tiến quân, chúng nã cối 105 ly, có khi bắn hàng loạt 10, 12 quả liền rồi tiến dần rải thảm dọn đường... Sau đó là những đội càn quét - xâm hầm, đốt nhà, triệt hạ cây cối vườn tược, truy bắt du kích, thanh niên hoặc là bắn chết tại chỗ hoặc là cưỡng ép đi lính ngụy đỡ đạn cho chúng ở những chiến trường khác.
Trước tình hình đó, chủ trương của ta là để cho dân sơ tán, một số chạy ra vùng địch, hoạt động hợp pháp tiếp tế cho cách mạng hoặc làm binh vận vận động binh sĩ ngụy quay súng trở về với nhân dân.
Trạm xá chúng tôi cũng phải hoạt động lưu động, nay ở ấp này, ít lâu ở nơi khác, hoặc đào hầm bí mật trong vườn để vừa phục vụ, vừa tiếp ứng với đội phẫu tỉnh đảm nhận những thương binh vừa, nhẹ nuôi dưỡng trong nhân dân kết hợp cùng quý mẹ và chị phụ nữ và du kích bảo vệ anh em...
... Hồi đó, gọi là công tác bán thoát ly nhưng thực tế như thoát ly. Trạm xá làm việc 24/24. Ủy ban xã chỉ cấp cho trạm xá 9 tháng ăn, còn 3 tháng tự túc. Trạm được cấp 10 công ruộng, anh chị em làm để ăn 3 tháng. Vào mùa vụ, tôi phân công Hiệp liên hệ với địa phương giúp phát, cào, cấy, gặt… tiếp chúng tôi. Mỗi năm, thu hoạch khoảng bảy, tám chục giạ lúa vừa để ăn 3 tháng, còn dư lại để mua dầu, muối và hỗ trợ cho một số gia đình chứa thương binh gặp thiếu thốn. Lúc rảnh rỗi, Hiệp học chằm nón lá bằng lá cà bắp hay gói bánh lá dừa gửi trạm gác bán ở ngã ba đường lấy tiền giúp bồi dưỡng thương, bệnh binh.
Có những ngày yên tĩnh, công việc cũng ít, hai cô cháu ngồi chung, báo cáo tình hình rồi đốt lửa cùng tâm sự. Hiệp nói:
- Cô ơi! Ráng đến ngày độc lập, cô cháu mình được ở bên nhau. Cháu không còn mẹ nhưng được cô thương mến, dạy bảo, tình cảm thật cô à. Ước gì đến ngày ấy cô thì được học lên bác sĩ còn cháu sẽ học y sĩ sản khoa để phục vụ bà con tốt hơn nữa.
Tôi hỏi đùa:
-Thế còn cậu ấy thì ấy thì sao?
Hồng Hiệp ửng hồng đôi má, e lệ cúi đầu một lúc rồi ngước lên, em nói:
- Anh ấy chính là người bạn trai từ nhỏ, con ông Sáu Kỉnh, xã đội trưởng. Hai gia đình cũng nông dân, nhà ở sát nhau. Năm kia, ba em dắt em vào trạm y tế xã thì anh Lê Thanh Hải cũng khăn gói lên đường theo quân giải phóng. Hai chúng em đã từng hò hẹn đợi nhau đến ngày nước nhà hoàn toàn độc lập sẽ xin phép cha mẹ hai bên cho phép thành hôn.
Trưa hôm ấy, nhằm ngày 27-2-1971, Hải trên đường dừng quân tại đây, được chỉ huy cho về thăm nhà. Hải ghé qua trạm thăm Hồng Hiệp. Em vui mừng quá, lăng xăng chạy dọn cơm nước cho Hải ăn rồi hai đứa trò chuyện bên nhau suốt buổi trưa. Chiều đó, Hồng Hiệp đi ra ấp Rau Dừa, cuối xã, để thay băng, chích thuốc cho một thương binh rồi cùng Hải về thăm gia đình hai bên. Sáng sớm ngày sau, Hải phải trở về đơn vị cho kịp chuyến sang sông, cùng đơn vị hành quân vào chiến dịch mới. Nhìn hai bạn trẻ hồn nhiên vô tư, yêu đời mặc dù hằng ngày cận kề với bom đạn giặc thù, lòng tôi cũng thấy vui lây và thầm cầu mong cho đôi lứa chúng được mau chóng tới ngày nước nhà độc lập để hưởng hạnh phúc bên nhau.
Hai em ra đi. Chừng nửa giờ sau, tôi bỗng nghe tiếng máy bay đầm già quần đảo hướng các em đi (ấp Lý Ấn). Kế tiếp hai chiếc cồng cộc đến dội bom. Tôi vô cùng lo lắng, linh tính tôi nghi có chuyện không lành xảy ra. Sau đó, theo lời Hải kể: Lúc hai em đang bơi xuồng theo sông Rau Dừa, thoáng nghe có tiếng máy bay giặc. Hải nhanh chóng móc vào bờ, nhảy lên, không kịp nhận xuồng. Hai em kéo tay nhau chạy ra phía sau vườn rậm sát mí ruộng. Chiếc máy bay đầm già quần đảo hai vòng, hình như nó đã phát hiện chiếc xuồng dưới tàn cây gừa. Hiệp nhanh chóng chạy qua nhà ông Ba Cát, nơi có đồng chí thương binh để thay băng và tiêm thuốc. Còn Hải thì chạy thẳng ra ngoài mí ruộng, cùng nhổ cổ với ông Cát để chờ Hiệp. Bỗng nghe tiếng ầm ĩ một lúc một gần. Từ xa, Hải đã phát hiện chiếc đầm già dẫn đầu, hai chiếc cồng cộc đang bay tới. Đến đầu ấp, chúng lao xuống bắn mấy loạt rốc kết. Chưa kịp dắt anh thương binh xuống hầm, Hồng Hiệp nhanh chóng đẩy anh nằm xuống, em nằm đè lên che đạn cho anh thương binh Trần Thanh An. Khói đạn mù mịt bao trùm cả mảnh vườn và căn nhà lá nhỏ bé của ông Ba Cát. Chúng trút thêm bốn quả bom phía sau vườn ông.
Hồi lâu, sau lúc máy bay địch bay đi, Hải chạy tìm Hồng Hiệp thì… áo quần Hồng Hiệp đã đầm đìa máu đỏ mà hai tay em vẫn còn ôm gọn người đồng chí thương binh. Lúc đó, anh thương binh còn ngất xỉu trên mặt đất. Đỡ xác Hồng Hiệp trên tay là lòng Hải đau như cắt, không nói được lời nào.
Chỉ năm, mười phút sau, bà con cô bác trong xóm đã kéo đến đầy sân, đồng chí thương binh được đưa vào nhà. Bà con khiêng xác Hồng Hiệp để lên tấm ván, tắm rửa thay quần áo cho em, đắp mền và cao su phủ kín chở em về nhà. Mái tóc đen dài bóng mượt ôm gọn khuôn mặt thanh thản của em làm nhói đau trái tim bà con trong xóm.
Khi đưa Hồng Hiệp về nhà, nét mặt ba em đanh lại. Anh nhất quyết cùng bà con sẽ quyết tử với kẻ thù để trả thù cho con anh và biết bao đồng bào, đồng chí. Ngay trong đêm đó, hai gia đình cùng anh em trạm y tế và bà con cô bác xã Hưng Mỹ đã long trọng tiễn đưa em. Trong buổi lễ truy điệu, đồng chí Sơn, Bí thư chi đoàn xã Hưng Mỹ đã long trọng kết nạp Hồng Hiệp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Với lòng thương tiếc vô cùng, một cán bộ y tế nói:
- Hồng Hiệp, người đoàn viên Thanh niên lao động không tiếc tuổi thanh xuân hiến dâng đến giọt máu cuối cùng của đời mình cho đồng bào, cho cách mạng... rồi nghẹn lời.
Vừa qua, nhân dịp tôi về thăm quê nhà Hưng Mỹ, tỉnh Cà Mau, tôi đã ghé thăm gia đình em Hồng Hiệp. Anh Tư Nguyên, ba em, nay đã nghỉ hưu, hiện làm chủ tịch hội người cao tuổi xã nhà. Ba đứa em của Hiệp đều trưởng thành có gia đình, cùng tham gia công tác ở xã, huyện khác. Hồng Hiệp cũng được truy tặng liệt sĩ. Tôi cũng có ghé thăm những gia đình chí cốt với cách mạng, trạm xá Dân y xã hồi đó, bà con tuy kẻ mất, người còn, nhưng khi nhắc đến tên em Hồng Hiệp, con anh Tư Nguyên, cô bác vẫn còn nhớ như in về tấm gương hy sinh dũng cảm của người chiến sĩ ngành y. Nguyễn Thị Hồng Hiệp mãi mãi sáng ngời tấm gương của người chiến sĩ trong “Đội quân áo trắng” miền đất mũi Cà Mau tươi đẹp này.
Viết năm1998