Thứ Bảy, ngày 21-12-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Hồ sơ công việc
 
 
 
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Truyện
Gặp nhau chợ hoa xuân
[ Cập nhật vào ngày (06/02/2018) ] - [ Số lần xem: 1172 ]

Nắng chiều vàng nhạt dịu mát, tôi thong thả bước vào chợ hoa Vĩnh Long. Chợ vừa đẹp mắt với các loại hoa rạng rỡ đủ sắc màu, vừa xôn xao người xem bên phải, bên trái, lòng đường tấp nập người đi ngược, xuôi...
- Trời ơi. Anh Hai. Bác sĩ Hai Long!
- Ủa, em là…
- Loan, y tá quân y của bệnh viện dã chiến và đội cấp cứu tiền phương.
- Em giỏi thật, sao nhớ được anh?
- Thưa bác sĩ, sao không nhớ? Bác sĩ là thủ trưởng mà, hình ảnh ghi sâu vào trí não chúng em, một người bác sĩ dễ mến, mọi người đều quý trọng. Tính tình vui vẻ lại khoan dung, độ lượng, điềm tĩnh thận trọng từ lời nói đến việc làm như quyển sách chuyên môn, một pho sách chính trị - tư tưởng để chúng em học tập.
Tình cờ gặp nhau giữa đường, giữa chợ thế này, dịp may hiếm có! Tôi không còn hy vọng gặp lại các em, những nữ quân y hiền hậu, lời nói ngọt ngào, dịu dàng, đậm tình nghĩa, thân thương với những thương, bệnh binh.
- Hiện giờ em và các em sống ra sao? Có em nào ở gần nhau không? Có liên lạc được nhau không? Chồng con thế nào? Nói cho anh mừng với.
- Thưa bác sĩ, hồi đó anh em mình mỗi người mỗi quê, mỗi xứ người góp lại. Nhưng em còn nhớ rõ em với Bé Ba, Đào ở Mỹ Tho; Thu, Sương: Vĩnh Trà; Phượng, Thúy: Long Châu Sa; Hoa, Hồng, Thắm: Long Châu Hà; chị Hạnh, chị Yến: Bạc Liêu, Cà Mau; chị Hải, chị Sâm: Tây Ninh… Lúc đó thiệt là vui. Mọi người đoàn kết thương mến nhau như anh chị em một nhà. Còn bây giờ tứ tán hết, bác sĩ hỏi làm sao em biết được. Chắc mấy chị cũng mạnh giỏi, làm ăn sinh sống với đời thường. Nhất định ai cũng có gia đình, con cháu đủ đầy. Như em đây cũng có cháu nội, cháu ngoại rồi. Giờ bác sĩ gặp lại, còn không biết, không nhớ tên em, huống hồ tên các chị em đó. Chúng em thay đổi nhiều lắm vì lúc đó chúng em còn nhỏ, tuổi chỉ khoảng hai mươi, em hiện giờ cũng ngót năm mươi rồi. Đêm nằm nghĩ lại, nhớ lại mà say sưa thích thú vô cùng cái thời trẻ trung, sôi nổi, hồn nhiên…
- Làm sao các em nhớ anh lâu vậy?
- Vì bác sĩ luôn luôn quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất chúng em. Đối xử với chúng em như người anh, người thầy, lại chịu khó, chịu khổ, gương mẫu xung phong gánh vác công việc dù nặng hay nhẹ, sắp xếp công việc làm cho chúng em cụ thể, rõ ràng để thực hiện đạt kết quả rất cao. Lại hướng dẫn chúng em nâng cao trình độ chuyên môn, trực tiếp là công tác điều trị tại đội và bệnh viện. Giúp chúng em phấn đấu vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, vào Đảng để chúng em tiến bộ. Em nhớ nhất là bác sĩ luôn dặn dò chúng em quan tâm chăm sóc thương, bệnh binh: “Anh em dũng cảm chiến đấu, đến với mình thì phải được sự nhiệt tình chăm sóc giúp đỡ, cứu chữa tận tâm, tận lực, niềm nở vui vẻ. Dù vết thương có nhiễm trùng, hôi tanh cũng không được tránh né, không than phiền, thể hiện tinh thần phục vụ cao cả của tình đồng chí…”. Vậy đó mà chúng em không nhớ hoài sao được?
- Em còn nhớ trận biệt kích đánh vào bệnh viện, bác sĩ cùng trung đội bảo vệ bố trí lực lượng, tập trung hỏa lực. Chúng lọt vào vòng phục kích của mình, bị tiêu diệt và bắt sống hai tên, giao về trên. Lúc nghe súng nổ, chúng còn la ầm ĩ, “Xung phong bắt con gái đẹp”. Bác sĩ mắng: “Đồ phản quốc hại dân, chết không kịp ngáp nghe chưa?”. Bác sĩ bảo vệ chúng em an toàn trong chiến đấu. Chúng em còn được nghe những lời bác sĩ động viên bộ đội chiến đấu.
Giặc bắn chưa chắc gì trúng
Trúng chưa chắc gì chết
Xung phong giành mọi thắng lợi.

- Loan nè! Em còn nhớ không? Hồi mặt trận Tống Lê Chân, đội mình được cấp trên bổ sung cho một trung đội nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tải thương. Chị em vui vẻ, hăng hái với nhiệm vụ, rất sẵn sàng trong chiến đấu. Em còn nhớ người nào không?
- Em cũng không nhớ. Phải hồi đó mình lấy địa chỉ của các chị em. Chắc các chị cũng được học hành tiến bộ lắm bác sĩ nhỉ!
- Chắc chắn là như vậy! Này Loan! Em có nhớ tên các đồng chí trung đội bảo vệ đơn vị mình không? Các đồng chí cùng sống chết với ta, đồng cam cộng khổ với thương, bệnh binh và các em.
- Thưa, anh Hoàng, trung đội trưởng; anh Hùng, trung đội phó kiêm chính trị viên; anh Vân, anh Hai Ấm, tiểu đội trưởng; các anh Bá, Sơn, Chúc. Lúc đầu, chúng em lo trách nhiệm, làm thở không ra hơi, đâu có dịp nói chuyện… Dần dần tiếp xúc nhau bình thường. Em nhớ nhất là khi thương bịnh binh nặng từ trần, các anh tẩn liệm đưa về nghĩa trang chôn cất chu đáo; dù đường sá đi lại khó khăn do giặc rình mò hoặc đêm hôm mưa gió, dông bão, các anh vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của người sống chăm lo cho người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng.
- Thưa bác sĩ, bác sĩ còn nhớ những đêm trăng mờ ảo, cả đội mình ngồi tụm ba, tụm năm dưới rừng le, chờ mở màn trận đánh; pháo sáng của địch bắn lơ lửng sáng rực cả bầu trời?
- À, nhớ. Lúc đó anh nhìn thấy nét mặt các em rực hồng tươi tắn như những vò phong lan đơm bông mùa xuân.
- Hồi đơn vị mình từ miền Đông chuyển về Đồng Tháp (vùng Mỹ An, Thiên Hộ) xảy ra chuyện buồn cười mà em nhớ hoài. Cuối năm 1969, đầu năm 1970, Đơn vị đã ổn định nơi ăn, chốn ở an toàn cho thương bịnh binh, bác sĩ liên hệ với địa phương công tác bảo vệ và bảo mật căn cứ… Dân nói: “Bộ đội này sao thấy toàn là nữ? Chắc là đoàn văn công hay là cơ quan của bộ đội?”. Thế rồi bà con cho một cái đìa cá ục như cơm sôi để đơn vị mình chuẩn bị thực phẩm ăn tết. Bữa tát đìa họ cũng đến tát giúp cho mình.
Hôm đó, đơn vị cắt đặt người trực điều trị ở nhà và bảo vệ cơ sở, chăm sóc bốn mươi bốn chiến thương, trong đó có mười hai chiến thương nằm tại giường bất động vì vết thương sọ não; mười lăm bị gãy xương đùi nẹp, năm chiến thương gãy cánh tay, cẳng tay nẹp, hai chiến thương bụng đứt ruột, một vết thương ngực thấu phổi, ba bị thương vùng mông, băng chặt lại, đi được, sáu chiến thương phần mềm nhẹ giúp chăm sóc cho chiến thương nặng.
Mỗi tổ cử hai phần ba quân số ở nhà phục vụ, số còn lại đi bắt cá. Ba bác sĩ Thanh, Sơn, Hằng quán xuyến toàn bộ công việc ngày đó. Tuyệt đối chấp hành theo sự phân công, mọi người chuẩn bị nhanh gọn lên đường với bao đựng cá, rổ, đòn gánh, gióng... mượn của dân.
Từ thuở cha sanh mẹ đẻ đến bây giờ chưa ai được đi bắt cá nên các cô ai cũng hăng hái xung phong. Đến sòng tát cá thấy thát lát bự kềnh, sặc rằn bằng bàn tay xòe, cá rô mề hở nắm, cá lóc bằng bắp chân, nhảy lưng tưng trên mặt đất. Một anh nông dân nói:
- Cá trên khô bắt chưa được, xuống đìa làm sao bắt đặng.
Một thanh niên đế thêm:
- Các chị có mà vọc nhớt.
Người khác động viên: “Thủ trưởng ơi, các chị ham thì để các chị bắt một bữa cho đã tay”.
- Xuống đìa bắt cá nhanh về sớm! Các cô la lên, hồ hởi lao xuống đìa. Cô Loan bắt được con cá rô bị đâm cũng trình làng, bắt được con cá lóc cò mửa cũng khoe. Mọi người xuống chật cả đìa mà chưa ai bắt được con lóc, con trê bự nào cả.
Cô Loan có cảm giác nằng nặng, đau đau, ngứa ngứa ở cổ chân, sờ thấy cái gì nhớt nhợt, rồi đột nhiên khiếp sợ, vội vàng vọt nhanh lên bờ, mặt mày tái mét, miệng la hớt hải, mọi người tưởng bị cá trê đâm… Khi cô chạy vù tới chỗ tôi ngồi, tôi thấy con đỉa trâu bự tùa bằng đầu ngón chân cái, ở ngay cổ chân, cô bò càng, bò niểng.
Tôi la lên: “Bắt đỉa cắn cô Loan! Bắt đỉa cắn cô Loan!”.
Cô chà chân quyết liệt vào cỏ đưng, gốc rạ mà con đỉa không rời.
Tôi không dám mó vào, cứ la: “Bắt đỉa cắn cô Loan”.
Một thanh niên nhảy nhanh đến, bắt con đỉa. Cô Loan nằm lịm giữa đồng trưa trời nắng gay gắt. Các chị em khác cũng nhảy tót nhanh lên bờ. Cuối cùng, nhờ bốn anh giúp tát đìa, xuống bắt cá đến quá xế chiều mới xong. Cá lóc, cá trê mỗi thứ hai bao bố, cá rô hai cà ròn, cá bổi, thát lát hai giỏ, một rổ bự. Lại nhờ các anh gánh về cứ. Tôi vội vàng vọt nhanh về trước, thông báo anh em ở trại lán nào ở tại chỗ, không được đi lại lộn xộn, “cắm trại”.
Bác sĩ Thanh, bác sĩ Hằng ra coi, thấy cá nhiều quá, cũng thay áo chuyên môn, ngồi làm cá cùng chị em.
Các anh vét lại ba cái hầm để rộng cá theo từng loại. Cá bổi, thát lát làm khô. Tập trung làm cá tích cực tới chín giờ đêm mới xong. Mời bốn anh ở lại ăn bữa cơm tối.
Đồng chí thông tin nhận điện cấp trên. Phòng quân y hỏi thăm, chia vui về việc chúng tôi được dân cho đìa cá để chuẩn bị cho thương bịnh binh ăn tết.
Sáng hôm sau, tôi ra ngay Xã ủy và công an, liên hệ xin đích danh bốn anh giúp tát đìa về làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ. Còn cô Loan ba, bốn ngày sau chưa hoàn hồn. Chân cô sưng to tướng, hễ ai nói tới đỉa là ói mửa, bỏ cơm, bỏ cháo không ăn được.
- Em nhớ… Thủ trưởng cũng sợ đỉa mà! Thôi, em về. Tết Nhâm Ngọ 2002, em đến nhà thăm thủ trưởng.
Vĩnh Long, ngày 04 tháng 02 năm 2002
BS Lê Đại Long - Trích Tập Hồi ký “Đội quân áo trắng” - Tập XI




Quảng cáo
Không có quảng cáo
Đường dây nóng




Số lượng truy cập
Số lượt truy cập
Hỏi đáp trực tuyến
Ảnh hoạt động
Quảng cáo
Không có quảng cáo