Thứ Tư, ngày 14-05-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Sở
Tìm hiểu về người có nhóm máu hiếm Rh (-)
[ Cập nhật vào ngày (04/09/2013) ] - [ Số lần xem: 1655 ]
Những người có nhóm máu hiếm B Rh (-) tập trung bệnh viện để hiến máu cho người bệnh Võ Thị Bích Loan. (BS Mỹ Tiên – người thứ ba bên trái)
Những người có nhóm máu hiếm B Rh (-) tập trung bệnh viện để hiến máu cho người bệnh Võ Thị Bích Loan. (BS Mỹ Tiên – người thứ ba bên trái)

Máu là một dược phẩm vô giá của tạo hóa dùng để chữa bệnh, cứu người. Hiểu được ý nghĩa của hiến máu cứu người, ngày nay nhiều người đã tham gia hiến máu tình nguyện và tự nguyện trở thành thành viên của các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, “ngân hàng máu sống” để trợ giúp người bệnh, người bị nạn. Sau một thời gian chuẩn bị, cuối tháng 10 năm 2012, câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm Rh (-) thành phố Cần Thơ đã được thành lập, tập hợp được 43 thành viên. Đây là một sự kiện quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển tình nguyện viên câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm tại ba khu vực thành phố lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Đi thành phố hiến máu cứu người
Một chiều đầu tuần giữa tháng 5 năm nay, đang trên đường từ trường về nhà, bác sĩ Mỹ Tiên bất chợt nhận được cuộc gọi từ một cán bộ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang hỏi xem có thể giúp cho máu một trường hợp phẫu thuật thuộc nhóm máu hiếm B Rh (-) không. Rồi người gọi điện kể nhanh về trường hợp cần trợ giúp. Đó là em Võ Thị Bích Loan, 16 tuổi, ở xã Hòa An, Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Nhà nghèo, mẹ bỏ đi từ khi em còn nhỏ, cha đi làm thuê xa và đã đi thêm ‘bước nữa’, em chỉ còn nương tựa vào bà nội. Rồi trong một ngày đi học, Bích Loan bị va quẹt xe, bị thương ở đầu gối phải. Do khó khăn về tiền bạc nên em chữa trị “tới đâu hay tới đó”, vì vậy vết thương của em ngày càng trầm trọng, đầu gối sưng to. Mải cho đến khi lên Trung tâm Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người nhà mới biết Bích Loan mắc bệnh u xương, phải đoạn chi, chi phí khoảng ba mươi triệu đồng. Công ty quảng cáo Nhất cùng Chương trình Khát Vọng Sống hỗ trợ ca mổ, nhưng trước hết phải có đủ người cho máu nhóm B Rh (-) để xem xét phẫu thuật.

Nhận thấy sức khỏe bản thân bình thường, bác sĩ Mỹ Tiên đồng ý ngay. Về nhà cô kể lại với cha về quyết định đi thành phố hiến máu cho Bích Loan đang chờ phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nghe xong, ông vui lắm và cảm thấy tự hào.

Sáng chủ nhật, hai cha con thức dậy thật sớm. Người cha lấy chiếc Honda 50cc chở BS.Tiên ra đón xe do Công ty quảng cáo Nhất thuê từ Hậu Giang lên. Khi vào xe, BS.Tiên nhận ra trên xe đã có ba người cùng đi hiến máu: một chiến sĩ công an, và hai em sinh viên Lưu Minh Đức và Trương Văn Thông đều của Trường Đại học Cần Thơ. Sang tỉnh Vĩnh Long, xe đón thêm hai thành viên nữa - một thầy giáo và sinh viên Phạm Minh Trị cũng học tại Trường Đại học Cần Thơ. Một điều thú vị là tất cả sinh viên trên xe và BS Tiên đều là thành viên của Câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm Rh (-). Tuy mọi người đều có công việc riêng phải lo, nhưng mỗi khi được cùng nhau đi hiến máu cứu người, tất cả đều vui và háo hức.

Đến bệnh viện nơi Bích Loan nằm điều trị ngay buổi sáng, tại đây, BS.Tiên đã thấy nhiều người đến từ nhiều nơi, đặc biệt là các bạn sinh viên đăng ký hiến máu cho Bích Loan. Sau xét nghiệm nhanh, chỉ có một số người có cùng nhóm máu hiếm với người bệnh, trong đó có một người đàn ông nước ngoài. Những người không có cùng nhóm máu hiếm Rh (-) với người bệnh bị loại, phải ra về, trong lòng ai cũng buồn.

Sau khi hiến máu, những người hiến máu được dẫn tới thăm Bích Loan. Không ai nhắc ai, mọi người cùng gửi biếu gia đình người bệnh tất cả phần quà chế độ nhận được sau khi hiến máu.
BS.Tiên kể: Bích Loan nhỏ người, thể trạng yếu, thường hay sốt và sụt cân khiến mọi người lo lắng. Nhưng sau khi trở về nhà và nghe tin ca mổ thành công, ai cũng mừng.

Nhóm máu hiếm là gì?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ người có nhóm máu hiếm Rh (-) rất thấp, cứ 10.000 người mới có khoảng 4-7 người có nhóm máu hiếm (khoảng 0,04%).
Nhóm máu hiếm chỉ là một đặc tính di truyền, giống như màu da, màu tóc… không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng những người có nhóm máu hiếm Rh (-) chỉ có thể truyền máu cho nhau. Nếu truyền nhầm nhóm máu (Rh+ sang Rh-) sẽ xảy ra hiện tượng tan máu (phản ứng loại trừ nhau) gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong. Đối với phụ nữ mang thai có nhóm máu Rh (-) lấy chồng cùng nhóm máu Rh (-) thì sinh con bình thường nhưng luôn phải chuẩn bị nguồn máu cùng nhóm máu Rh (-) để sẵn sàng truyền trong quá trình sinh con.
Tuy nhiên, nếu phụ nữ có nhóm máu Rh (-) lấy chồng nhóm máu Rh (+) khi mang thai và sinh con, theo quy luật di truyền, sẽ có trên 90% trẻ ra đời có nhóm máu Rh (+) giống cha. Trong trường hợp có thai lần thứ nhất, đứa trẻ mang nhóm máu Rh (+) vẫn phát triển bình thường cho đến khi ra đời nếu quá trình mang thai, bánh nhau không bị tổn thương. Nhưng từ lần có thai thứ 2 trở đi, nếu con vẫn có nhóm máu Rh (+) thì thường xảy ra sự cố nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con: vì cơ thể mẹ sinh ra kháng thể đi qua bánh nhau chống lại kháng nguyên D có trên bề mặt hồng cầu của con và gây ngưng kết hồng cầu, còn gọi là tan máu; hậu quả có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc đứa trẻ sinh ra nhưng bị thiểu năng trí tuệ.
Với những phụ nữ có nhóm máu Rh (-) mà đã mang thai có nhóm máu Rh (+) thì vẫn có thể xảy ra tai biến truyền máu ngay ở lần nhận máu Rh (+) đầu tiên.

Lời khuyên:
Trong cuộc sống, những người có nhóm máu hiếm Rh (-) có khả năng gặp rủi ro nếu cần truyền máu cấp cứu do không phải lúc nào cơ sở y tế cũng có sẵn nhóm máu hiếm Rh (-) và việc tìm đủ người có nhóm máu hiếm tình nguyện hiến máu cũng không phải dễ vì có quá ít người và họ lại sinh sống ở các tỉnh, thành khác nhau; lại có người không lưu giữ sim số điện thoại di động khiến cho việc liên lạc, tìm kiếm mất thời gian.
Do vậy, nếu bạn được xác định có nhóm máu hiếm Rh (-), hãy tham gia các câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm Rh (-) để được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, chia sẻ hiểu biết về nhóm máu hiếm Rh (-), đồng thời có cơ hội cứu giúp người bệnh, người bị nạn có cùng nhóm máu hiếm Rh (-), và cũng như giúp chính bản thân bạn.

Hiện Bệnh viện Huyết học -Truyền máu Cần Thơ đã sàng lọc và lập danh sách khoảng 145 người hiến máu tình nguyện từ năm 2010 đến hết tháng 6 nám 2013 có  nhóm máu hiếm Rh (-). Họ đến từ thành phố Cần Thơ và hầu hết các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Khoa hiến máu tình nguyện của bệnh viện trực 24/24 giờ sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ các bệnh viện, cơ sở y tế địa phương về các trường hợp cần  truyền máu cấp cứu, trong đó có nhóm máu hiếm Rh (-) để huy động nguồn máu chữa bệnh, cứu người.
Bài, ảnh: CN. Trần Mạnh Chu




Tin hoạt động Sở
Đường dây nóng


Số lượng truy cập