Thứ Sáu, ngày 03-01-2025 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
“Lặng lẽ” nghề pháp y
[ Cập nhật vào ngày (11/11/2024) ] - [ Số lần xem: 181 ]
Tập thể lãnh đạo và cán bộ y tế, nhân viên Trung tâm Pháp Y thành phố Cần Thơ
Tập thể lãnh đạo và cán bộ y tế, nhân viên Trung tâm Pháp Y thành phố Cần Thơ

Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.

Yêu nghề chẳng “quản khó”

“Giám định pháp y là nghề không ai muốn chọn vì công việc này đầy ám ảnh và lắm gian nan, vất vả. Chỉ nghe đến bác sĩ pháp y thôi là đã sợ, khiến ai cũng phải dè chừng” - Bs.CK1. Nguyễn Duy Trinh, một trong những bác sĩ pháp y có thâm niên hơn 16 năm trong ngành, hiện là Trưởng Khoa Giám Định đang công tác tại Trung tâm Pháp y TP. Cần Thơ trải lòng. Được biết, Bs. Duy Trinh tốt nghiệp trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2006, khi đang loay hoay tìm việc thì cơ duyên được người cậu công tác trong ngành y giới thiệu nộp đơn ứng tuyển vào Trung tâm Pháp y TP. Cần Thơ. Anh kể, hồi mới ra trường, mình cũng như các bác sĩ trẻ bây giờ không có ý định sẽ chọn nghề pháp y. Nhưng mà chắc là do nghề chọn người, nên mình bắt đầu dấn thân, học hỏi, trau dồi năng lực chuyên môn và kiến thức pháp luật vững vàng cũng như tôi luyện tinh thần thép rồi dần dà yêu luôn cái nghề “nói thay người đã khuất”.

Nếu không thật sự yêu nghề, thấy được ý nghĩa và vai trò to lớn của nghề pháp y trong việc “giải mã” các nút thắt, giúp lực lượng điều tra truy tìm sự thật, xử lý tội phạm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… thì khó mà trụ nổi với nghề. Kể về lần đầu tiên “mổ xẻ” tử thi, Bs. Duy Trinh nhớ lại “Tham gia trong ekip mổ tử thi tại nhà đại thể của bệnh viện, lúc đó mình rất run nhưng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi về nhà, mình như mất hồn, không thể ăn uống vì ám ảnh xác chết. Nhưng chính vì lần đầu tiên đó, mình vượt qua được, xác định nguyên nhân tử vong của xác chết và hỗ trợ cho cơ quan điều tra làm rõ vụ việc nên mình càng dốc sức, tâm huyết với nghề pháp y đến tận bây giờ”.

Hầu hết các vụ giám định pháp y tử thi được tiến hành hàng giờ liền tại hiện trường tai nạn giao thông, bãi biển hoặc bờ sông. Tiếp xúc tử thi trôi nổi, trương phềnh giai đoạn phân huỷ, tử thi yếm khí, có thể nói đây là môi trường rất độc hại và ảnh hưởng sức khoẻ. Nói thêm về vấn đề trên, Ths.Bs. Lê Thiện Thành - Phó Trưởng Khoa Giám Định Trung tâm Pháp y TP. Cần Thơ chia sẻ rằng “Bất kể giờ giấc, nắng mưa, ngày đêm miễn có cuộc gọi từ cơ quan điều tra, tố tụng cần tới giám định pháp y là anh em được phân công sẽ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, tức tốc có mặt làm nhiệm vụ ngay”.

“Góc khuất” ít người biết, hiểu đúng và cảm thông

Không áp lực giành giật sự sống cho một sinh mạng con người trong gang tấc như những bác sĩ chuyên khoa khác, nhưng công tác giám định của bác sĩ pháp y không những đòi hỏi tính khoa học, sự chính xác mà còn đảm bảo tính pháp lý cao nhằm góp phần định khung, định tội cho các hình phạt trên tinh thần công bằng - không để oan sai, bỏ lọt tội phạm. Áp lực nặng nề nhất phải kể đến là trách nhiệm, phải công tâm và khách quan. Nếu thiếu tập trung, lơ là có thể sai lệch, án oan dẫn đến bi kịch cuộc đời của một người. Tuy vậy, chính sách lương bổng và đãi ngộ cán bộ pháp y luôn thấp hơn so với mặt bằng chung của nghề bác sĩ. Cũng học ngành y ra trường như nhau nhưng nghề bác sĩ pháp y không khỏi khiến cho Bs. Thiện Thành chạnh lòng “Các bác sĩ đa khoa khác sau khi có chứng chỉ hành nghề thì có thể mở phòng mạch, thăm khám cho bệnh nhân để cải thiện thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Riêng với bác sĩ pháp y, đây là điều không thể, dù trình độ hay chuyên môn chẳng thua kém gì”.

Nhiều người vẫn nghĩ bác sĩ pháp y chỉ “mổ xẻ” tử thi, tiếp xúc với những xác chết thối rữa, không nguyên vẹn tứ chi… nhưng ít người biết rằng, bác sĩ pháp y còn giám định thương tích, mô bệnh học, ADN, xâm hại tình dục, giám định trẻ em bị bạo hành… để hỗ trợ lực lượng công an sớm đưa thủ phạm ra ánh sáng. Điển hình, trong vụ án kẻ phê ma túy điều khiển xe tải chạy hơn 70km gây tai nạn liên hoàn ở Cần Thơ vào ngày 26/9/2024, cán bộ pháp y của Trung tâm được trưng cầu có mặt tại hiện trường kịp thời và hỗ trợ cơ quan điều tra giải quyết vụ việc.

“Khi mới vô nghề, mình cũng rợn người với những vụ án sát hại nửa đêm, mình gặp sự phản đối của gia đình, người yêu và kỳ thị từ nhiều người. Tết nhứt, lễ lộc, đám tiệc… anh em pháp y luôn trong trạng thái sẵn sàng 24/7 hoặc chỉ ở nhà vì không phải ai cũng hiểu và cảm thông với nghề mình”, Y sĩ. Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Khoẻ bộc bạch. Còn Bs. Dương Thị Ánh Hồng thì tâm sự, đương đầu nhiều thử thách, hiểm nguy nhưng ai cũng vững lòng đam mê với nghề, thầm lặng cống hiến để đòi công lý, lẽ phải cho người vô tội, đặc biệt là những người đã mất. Chính những điều ý nghĩa đó đã thôi thúc tôi - một bác sĩ trẻ khi vừa mới ra trường đã viết đơn xin về Trung tâm công tác. “Pháp y là ngành hiếm, ít ai biết đến và hiểu được. Nên em luôn nỗ lực làm tốt, cống hiến sức nhỏ vào sự phát triển của ngành để mọi người ngày càng hiểu đúng về bản chất của ngành cũng như tính chất công việc của những nữ bác sĩ pháp y như em” - Bs. Ánh Hồng chia sẻ thêm.

 
Trung tâm Pháp y thành phố Cần Thơ được thành lập từ năm 2008, tọa lạc tại số 69 Hùng Vương, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ -  là một trung tâm pháp y cấp tỉnh với chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ giám định trong lĩnh vực tư pháp. Trong đó, chủ yếu về việc giám định thương tích, mô bệnh học, ADN, xâm hại tình dục, giám định trẻ em bị bạo hành, giám định tử thi… Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp Phòng kỹ thuật hình sự Công an trong các vụ tố tụng hình sự trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh thành khu vực ĐBSCL.

Bài: Chuông Mây - Tạp Chí Gia Đình Việt Nam tại TP. Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập