Năm 2023, ngành y tế TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực
trong thực hiện chuyển đổi số. Nhiều dấu ấn đọng lại như: lần đầu tiên ngành y
tế TP Cần Thơ tổ chức hội nghị chuyển đổi số, triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe
điện tử, phần mềm V20, kios khám chữa bệnh ngoại trú, đặt lịch khám chữa bệnh từ
xa…
*Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ
Ngày thứ
6 cuối tuần, tại Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn, tuy bệnh nhân rất đông, ngồi chật
kín các hàng ghế nhưng không khí không ồn ào, chen lấn. Chỉ có tiếng loa phát
thanh đọc tên người bệnh vang lên. Ngay tại khu khám bệnh, nổi bật với cây kios
với màn hình lớn, đầu quét. Tại đây có 1 bảo vệ hỗ trợ người bệnh đưa thẻ căn
cước công dân/thẻ bảo hiểm y tế vào đầu quét thì sẽ hiện lên đầy đủ thông tin
người bệnh. Người bệnh chọn 1 trong 3 quầy: quầy khám bảo hiểm y tế, quầy khám có
thu phí - khám sức khỏe và quầy khám ưu tiên. Sau đó, kios sẽ trả số thứ tự
tương ứng với quầy mà người bệnh chọn. Bệnh nhân đến quầy, chờ đọc tên, khai tình
trạnh bệnh, nhân viên y tế sẽ chọn phòng khám chuyên khoa cho người bệnh. Người
bệnh đến phòng khám, danh sách đang khám, chờ khám hiện lên màn hình. Hệ thống
loa của màn hình sẽ tự động gọi bệnh nhân khi đến lượt khám. Qui trình này được
thực hiện lập lại khi bệnh nhân có chỉ định thực hiện cận lâm sàng, khi nhận
thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ 3 từ
trái sang) cùng các đại biểu tham dự Hội thảo chuyển đổi số lần thứ 1 do Sở Y tế
TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Kim Nhiên
Ths Nguyễn Ngọc Quí, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh
viện cho biết: kios do mới triển khai, một số người bệnh lớn tuổi, người dân
nông thôn... chưa quen với hệ thống nên có 1 bảo vệ hỗ trợ. Việc triển khai
kios đem lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân và bệnh viện. Chẳng hạn danh sách
tên bệnh nhân hiển thị trên màn hình, đảm bảo sự công khai, minh bạch, rút ngắn
thời gian chờ đợi cho người bệnh, đảm bảo sự chính xác. Hệ thống đợi vừa trực
quan trên màn hình kèm đọc tên qua loa khi đến lượt nên bệnh nhân dễ nhận biết
khi nào đến lượt mình. Về phía bệnh viện, dự định ban đầu triển khai chỉ phục vụ
người bệnh tốt hơn nhưng thêm lợi ích kép là giảm hơn phân nửa số nhân viên y tế,
tiết kiệm nhân lực để bổ sung vào các hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ bệnh
nhân tốt hơn. Ngoài ra, việc triển khai kios cũng đem lại bộ mặt khang trang,
hiện đại, trật tự cho khu khám bệnh.
Việc triển khai kios từng bước hướng bệnh nhân tiếp cận các
công nghệ mới, đồng thời thực hiện xu hướng chuyển đổi số theo chỉ đạo của Sở Y
tế và quận, tiến tới các hệ thống mới sau này sẽ triển khai tại bệnh viện như
Lis, Pasc và bệnh án điện tử. Sau Tết nguyên đán, bệnh viện dự kiến triển khai
khám bệnh online, thí điểm trước ở Khoa Sản.
Còn tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, bệnh viện phối hợp Medpro
cho ra mắt ứng dụng Đặt lịch khám bệnh đa nền tảng với phiên bản website và điện
thoại di động, sẵn sàng phục vụ mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng được vận hành trên nền
tảng Medpro, một trong những nền tảng đặt lịch khám bệnh hàng đầu với hơn 40 bệnh
viện lớn tại Việt Nam đã sử dụng. Người bệnh không còn lo lắng về việc phải xếp
hàng chờ đợi lấy số, thanh toán, chỉ cần một vài thao tác đơn giản là có thể chủ
động đặt lịch khám, chọn bác sĩ và thời gian phù hợp để đặt lịch khám và đến
khám đúng khung giờ đã chọn.
Người dùng ngoài đặt dịch vụ trực tiếp qua ứng dụng còn có
thể liên hệ tổng đài hỗ trợ tư vấn sức khỏe 19002115 của Medpro, với nhiều hình
thức như gọi điện và nhắn tin từ ứng dụng, Facebook và Zalo. Medpro còn hỗ trợ
tối đa cho người dùng trong việc thanh toán trực tuyến bằng nhiều phương thức từ
chuyển khoản ATM, thẻ quốc tế đến cả các ví điện tử như Momo, Zalopay. BS.CKII
Nguyễn Thụy Thúy Ái, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ chia sẻ: Cùng với
việc triển khai chức năng đặt lịch khám chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Medpro, Bệnh
viện Phụ sản TP Cần Thơ bước đầu triển khai tính năng tư vấn khám chữa bệnh từ
xa qua internet. Với ứng dụng hiện đại, khách hàng chỉ cần đăng ký qua ứng dụng
Medpro và chọn phương thức khám, tư vấn từ xa sẽ được đăng ký các chuyên gia
hàng đầu của Bệnh viện tư vấn tận tình ở các lĩnh vực: sản phụ khoa, hỗ trợ
sinh sản, nam khoa, nhi - sơ sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh; các trường
hợp bệnh lý nội khoa trong thời gian mang thai…
Ngoài ra, IT của bệnh viện cũng tự phát triển phần mềm Kiosk
khảo sát sự hài lòng của khách hàng. Trong năm 2023, có tổng 4.938 lượt đánh
giá qua Kiosk. Lượt đánh giá hài lòng và rất hài lòng chiếm trên 94%. Bệnh viện
cũng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt từ quí I-2022. Qua thực hiện,
thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 15,56% tổng thu của bệnh viện.
*Hướng đến y tế thông minh
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về chuyển đổi số, Đề án số 08
của Thành ủy Cần Thơ và kế hoạch hành động số 89 của UBND TP Cần Thơ về triển
khai thực hiện Đề án Xây dựng Y tế thông minh, trọng tâm là Y tế cộng đồng giai
đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP Cần Thơ. Phấn đấu đến năm 2030 hình thành y tế
thông minh: Phòng bệnh thông minh, Khám chữa bệnh thông minh và Quản trị y tế
thông minh. Đề án Y tế thông minh gồm hoàn thiện y tế thông tin y tế TP Cần
Thơ; hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố; cơ sở dữ liệu y tế; cổng
thông tin tích hợp dữ liệu y tế, hệ thống thư viện đào tạo và chỉ đạo tuyến trực
tuyến; dịch vụ bệnh viện phòng khám thông minh và chăm sóc sức khỏe từ xa.
Đạt được mục tiêu, một trong những nội dung quan trọng phải
kể đến là việc hình thành và xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân
thành phố. Sở Y tế đã tổ chức đoàn khảo sát về thực trạng: nhân lực, cơ sở vật
chất, trang thiết bị của các trạm y tế... tại 9 trung tâm y tế và 17 trạm y tế.
Trong các nội dung, đoàn đã khảo sát về hệ thống trang thiết bị công nghệ thông
tin nhằm triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử và thực trạng các phần mềm
tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Đợt khảo sát là dịp để ngành y tế đánh giá
đúng thực trạng công nghệ thông tin, phục vụ cho công tác chuyển đổi số ở y tế
cơ sở và có những định hướng đầu tư, phát triển trong thời gian tới.
Sau khảo sát, tháng 5-2023, Sở Y tế đã triển khai thí điểm hồ
sơ sức khỏe điện tử. Chỉ trong vài tháng, các đơn vị y tế nỗ lực thực hiện. Kết
quả 102/106 đơn vị y tế đã liên thông được dữ liệu khám chữa bệnh vào phần mềm
hồ sơ sức khỏe; liên thông dữ liệu khám chữa bệnh cho 1.286.523/1.297.251 người
dân TP Cần Thơ, đạt tỷ lệ 99,2%.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên, ngành y tế TP Cần Thơ tổ chức
Hội thảo chuyển đổi số lần thứ 1. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
dự và chỉ đạo, có sự tham dự của các vụ, cục của Bộ Y tế, các công ty phần mềm...
từ đó kết nối và đưa ra nhiều giải pháp cho các đơn vị y tế áp dụng, ứng dụng tại
đơn vị. Đồng thời, giúp ngành y tế định hướng và đưa ra chiến lược chuyển đổi số
y tế trong giai đoạn sắp tới. Đó là: Hoàn thiện bộ dữ liệu y tế dùng chung trên
địa bàn TP Cần Thơ; xây dựng hệ thống quản lý chuyên ngành y có khả năng chia sẻ
và kết nối; xây dựng hệ sinh thái ứng dụng các tiện ích y tế hướng đến sự hài
lòng của người sử dụng. Cùng các giải pháp như: Xây dựng trung tâm dữ liệu và
quản trị dữ liệu; xây dựng các hệ thống quản lý y tế cho các khối, chuyên ngành
(khối quản lý ngành y tế, khối điều trị, khối dự phòng, khối trung tâm y tế và
trạm y tế); xây dựng hệ sinh thái ứng dụng y tế
hướng đến sự hài lòng của người sử dụng (bác sĩ, dược sĩ, kĩ thuật viên...
và người bệnh). Đồng thời ngành y tế từng bước tiếp cận được các thông tin, giải
pháp ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ lĩnh vực y tế trên thế giới như ứng dụng trí
tuệ nhân tạo trong hỗ trợ đọc X-quang, CTscan; AI - trạm y tế thông minh; hệ thống
xét nghiệm POC: kết nối bác sĩ và hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ sinh thái hỗ trợ
người dùng như Apps học online CME, Apps khám chữa bệnh từ xa, Apps bác sĩ gia
đình...
Định hướng công tác năm 2024, Tiến sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám
đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: ngành y tế TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh chuyển
đổi số, triển khai hiệu quả hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố. Xây
dựng kế hoạch và trình UBND thành phố thống nhất triển khai thí điểm ứng dụng
công nghệ trí tuệ nhân tạo, tạo nền tảng lưu trữ dữ liệu tích hợp phục vụ khám
chữa bệnh (như chuyển đổi xử lý hình ảnh Xquang, CTscan, …) tại một số đơn vị y
tế trực thuộc.