Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm
Ngày 26/7/223, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ
tổ chức hội nghị sơ kết công tác kiểm soát bệnh tật 6 tháng đầu năm 2023 và triển
khai kế hoạch 6 tháng cuối năm.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong 6 tháng đầu
năm, thành phố ghi nhận 12/44 bệnh truyền nhiễm có xảy ra ca mắc. Trong đó, 6/12
bệnh có số ca mắc tăng so với cùng kỳ như: lao phổi, viêm gan virus B, tiêu chảy,
viêm gan virus C, và uốn ván khác. Đối với bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 1.101
ca mắc, bệnh tay chân miệng là 559 ca mắc, đều giảm so với cùng kỳ năm 2022,
tuy nhiên số trường hợp nặng lại tăng so với cùng kỳ.
Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ phát
biểu tại hội nghị.
Thành phố cũng ghi nhận 377 truờng hợp nhiễm COVID-19, giảm
mạnh so với cùng kỳ năm 2022, không ghi nhận truờng hợp tử vong. Lũy kế đến cuối
tháng 6/2023, tổng số mũi vắc xin phòng COVID-19 đã tiêm cho người dân là trên
3,6 triệu liều. Chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện tiêm chủng cho trẻ duới
1 tuổi và phụ nữ có thai đạt tỷ lệ lần lượt là 53,2% và 50,2%.
Trong 6 tháng qua, số người phát hiện nhiễm HIV là 148 trường
hợp. Các cơ sở y tế cũng thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí cho gần 8.500
phụ nữ mang thai, phát hiện 12 trường hợp dương tính. Thành phố cũng duy trì
Chương trình bơm kim tiêm và bao cao su; Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ
mẹ sang con; Tư vấn xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS; Điều trị dự phòng trước
phơi nhiễm HIV (PrEP); Thực hiện chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại 06 phòng
khám ngoại trú người lớn, 01 phòng khám ngoại trú nhi; 05 cơ sở điều trị
Methadone và 05 cơ sở cấp phát thuốc.
Ông Lâm Hoàng Dũng, Phó Giám đốc CDC Cần Thơ báo
cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối
năm.
Mạng lưới y tế dự phòng tuyến cơ sở ổn định giúp công tác kiểm
soát bệnh tật được triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát bệnh tật cũng còn gặp một số
khó khăn như: Tình trạng thiếu hụt vắc xin kéo dài có thể dẫn đến các loại dịch
bệnh có nguy cơ bùng phát, cũng như một số bệnh dịch đã thanh toán có thể quay
trở lại như bại liệt. Hiện tại, thành phố Cần Thơ đã hết các loại vắc xin: SII,
Sởi, Sởi-Rubella, DPT. Dự kiến số tồn của một số loại vắc xin: như IPV, uốn
ván, bOPV, chỉ sử dụng đến tháng 8, tháng 9/2023.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở
Y tế chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Đồng thời đề nghị lãnh đạo
các cơ sở y tế tuyến thành phố và quận/huyện phối hợp chính quyền địa phương đẩy
mạnh công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở cộng đồng, nhất
là công tác giám sát, điều tra ổ dịch, đánh giá nguy cơ và đề xuất giải pháp; quan
tâm rà soát đối tượng tiêm chủng mở rộng, tăng cường công tác tuyên truyền, đa
dạng hình thức, phổ biến rộng rãi đến người dân. Đối với hoạt động phòng chống
HIV/AIDS, lãnh đạo Sở cũng đề nghị CDC và các quận huyện quan tâm tuyên truyền
cho đối tượng học sinh sinh viên, phụ nữ mang thai, tạo điều kiện cho các phòng
khám hoạt động điều trị, dự phòng. Chương trình điều trị Methadone cần có báo
cáo tổng kết, khảo sát, đánh giá về chương trình để tham mưu trong thời gian tới
hoạt động hiệu quả hơn…
Bà Đoàn Thị Kim Phượng, Phó Trưởng Khoa Phòng chống
HIV/AIDS báo cáo sơ kết hoạt động Quỹ
toàn cầu giai đoạn 2021-2023.