|
Tủ thuốc gia đình và những điều cần lưu ý
[ Cập nhật vào ngày (24/07/2012) ]
- [ Số lần xem: 1509 ]
Việc dự trữ một số thuốc và vật dụng y tế thông dụng tại gia đình sẽ rất cần thiết trong đại đa số gia đình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ cần có một tủ thuốc nhỏ để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Đôi khi, chỉ cần vài viên thuốc trị cảm cúm, thuốc chống rối loạn tiêu hóa, đau đầu thông thường… sẵn có sẽ giúp sơ cứu, đề phòng bất trắc khi người thân bị thương hoặc ốm đau nhẹ hoặc chưa đến mức phải bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng tuân thủ những nguyên tắc an toàn cho tủ thuốc tại gia này. Những loại thuốc nào, cách sử dụng, bảo quản ra sao cho an toàn và hợp lý? Các loại thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình- Thuốc hạ nhiệt, giảm đau để trị các chứng cảm sốt, đau nhức thông thường. Thông dụng nhất là Paracetamol (Paracetamol, Panadol, Hapacol,…) với nhiều liều lượng khác nhau như 100mg, 325mg, 500mg ….thuốc này dùng được cho người viêm loét dạ dày, phụ nữ có thai và cho con bú.
- Thuốc ho, long đờm như viên Terpincodein (chỉ dùng cho người lớn) hoặc thuốc ho nước dùng cho người lớn và viên Terpin-benzoat, Sirô ho cho trẻ em, trị các chứng ho cảm, ho gió thông thường
- Thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy như Berberin, Ganidan... hoặc gói Oresol để khi bị tiêu chảy có thể pha với nước đun sôi để nguội (1 gói pha với 1 lít nước) uống để bù nước và chất điện giải, hoặc trà gừng để chữa buồn nôn, khó tiêu.
- Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi như Chloramphenicol 0,4%, Sunfarin 1%, Rhinex (không dùng cho trẻ nhỏ hơn 15 tuổi) để trị đau mắt đỏ, sổ mũi hoặc ngạt mũi.
- Một số dầu bôi và xoa như Cao Sao Vàng, Dầu xanh, Dầu khuynh diệp... để bôi xoa khi cảm lạnh.
- Thuốc sát trùng ngoài da như Cồn y tế, nước Ôxy già, nước muối sinh lý, Cồn Iốt pha loãng, dung dịch axit boric, amoniac (xoa vào chỗ muỗi, sâu bọ cắn).
- Các loại thuốc chống táo bón, nhuận trường, thuốc lợi gan, mật như Forlax, Duphalac, Sorbitol...
- Kem mềm axit boric xoa vào chỗ sưng, bỏng, cao kháng sinh tổng hợp bôi chỗ viêm da, vết sưng, phấn dưỡng da chống rôm sảy ở trẻ…
- Ngoài ra những dụng cụ y tế cần thiết như nhiệt kế (để đo thân nhiệt khi bị cảm cúm), máy đo huyết áp và nhịp tim, máy đo đường huyết (theo dõi đường huyết cơ thể), bông y tế, cao băng bó vết thương, côn trùng cắn, kéo y tế, que quấn bông, túi chườm nước đá, băng garrot... cũng rất cần thiết.
Một số điều chú ý khi sử dụng tủ thuốc gia đình- Tủ phải đặt nơi khô ráo, thoáng mát, không bị ánh nắng chiếu vào, tủ thuốc có thể treo lên tường, vách, tủ đặt như thế nào để trẻ không tìm cách với tới được hoặc nếu trẻ có khả năng với tới thì tủ phải có khóa cẩn thận. Để dễ tìm, nên sắp xếp, phân loại rõ ràng và để chỗ khác nhau không nên để lẫn lộn. Thuốc và các dụng cụ y tế cần xếp riêng ở 2 tủ khác nhau.
- Đối với thuốc dùng trong (uống), thuốc dùng theo toa nên để riêng.
- Thuốc nhỏ mắt, khi đã khui ra không nên dùng quá 15 ngày. Thuốc viên rời tốt nhất không nên để quá 3 tháng dù còn hạn dùng
- Nếu thuốc có bao bì, nên giữ trong bao bì kể cả tờ hướng dẫn sử dụng. Tất cả các loại viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc, hạn dùng. Thuốc dành cho người lớn, nên ghi thêm câu trên nhãn: “người lớn”. Để giữ nhãn thuốc tốt, có thể dùng băng keo trong dán chồng lên.
- Dùng hết loại thuốc nào cần bổ sung ngay.
- Để ý đến thời hạn sử dụng, thuốc hết hạn phải bỏ ngay.
- Thường xuyên vệ sinh tủ thuốc để kiểm tra hạn dùng, chất lượng thuốc và bổ sung thêm thuốc đã hết hạn dùng.
Thuốc chiếm một vị trí khá lớn trong các mẫu quảng cáo hàng ngày, điều này làm cho người tiêu dùng lúng túng khi chọn lựa thuốc. Vì vậy, việc chọn lựa thuốc không nên chỉ dựa vào sự phán đoán cá nhân mà phải được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng. Khi mua thuốc dự phòng, chỉ nên mua những thứ đang cần với số lượng vừa phải. Vì các loại thuốc đều có hạn dùng, nhiều người tiếc tiền nên uống cả thuốc quá hạn sử dụng, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Ds Huỳnh Văn Út Cưng (tổng hợp)
-
Gửi ý kiến
-
In bài viết
|
|
|