Như chúng ta đã biết, trước đây các bệnh phổi mạn tính như hen, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) được điều trị chủ yếu bằng các loại corticoid uống và chích như asmacort, kenacort và các thuốc giãn phế quản dạng uống như asmin. Những thuốc này cũng có tác dụng làm giảm cơn khó thở của bệnh nhân nhưng tác dụng phụ rất nhiều như run tay, hồi hộp, nhịp tim nhanh, loãng xương, giữ nước làm mặt tròn, dễ bầm, xuất huyết ở da, rối loạn đường huyết, viêm loét dạ dày, tá tràng.
Ngày nay, y học ngày càng tiến bộ, các nhà khoa học đã tìm ra những phương pháp điều trị tiên tiến hơn để làm tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ của thuốc. Các loại thuốc này được chế tạo dưới dạng bình hít xịt cầm tay, gọn nhẹ, dễ sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Đó là các loại bình hít xịt định liều MDI, turbuhaler, handihaler, accuhaler. Tuy nhiên, để sử dụng các dụng cụ hít và xịt này, bệnh nhân cần được hướng dẫn kỹ năng phối hợp một cách thuần thục và chính xác để tăng hiệu quả điều trị.
Cách đây vài năm, nhiều bệnh nhân được điều trị hen và COPD tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ phải nhập viện thường xuyên vì những cơn khó thở cấp tính dù đã được điều trị đúng và đủ liều. Khi khảo sát kỹ thuật dùng bình hít xịt của bệnh nhân, kết quả cho thấy đa số bệnh nhân đều sử dụng không đúng. Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn chia sẻ một số thông tin hữu ích giúp bệnh nhân hen và COPD hiểu rõ hơn về đặc điểm hai loại thuốc thường dùng, đó là thuốc điều trị cắt cơn và ngừa cơn, đồng thời hướng dẫn cho bệnh nhân sử dụng đúng cách bình hít - xịt.
* Thuốc điều trị cắt cơnĐây là thuốc cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân lên cơn khò khè, khó thở. Khi đó, các cơ trơn của tiểu phế quản là những đường dẫn khí nhỏ bị co thắt lại khiến đường thở của bệnh nhân hẹp lại gây ra những cơn khó thở cấp tính, làm cho bệnh nhân phải thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, nói ngắt quãng từng tiếng một, hoặc tím tái, ngưng thở. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc giãn phế quản, gọi là thuốc cắt cơn, có tác dụng làm giãn cơ trơn tiểu phế quản trong vài phút, mở rộng đường hô hấp cho không khí lưu thông dễ dàng, giải quyết triệu chứng khó thở của bệnh nhân. Lưu ý khi sử dụng xịt họng từ 4-6 lần mà không cắt được cơn khó thở phải nhập viện cấp cứu để chuyển qua chế độ điều trị cơn cấp nặng trong bệnh viện.
Những thuốc điều trị cắt cơn hiện nay là ventolin (bình màu xanh), berodual (vỏ bình màu trắng) và symbicort (vỏ bình màu trắng, đế màu đỏ).
* Thuốc điều trị ngừa cơnThuốc điều trị ngừa cơn là những thuốc điều trị mỗi ngày, thậm chí không có triệu chứng, thời gian điều trị lâu dài, nhưng không cắt được cơn khó thở cấp.
Những nghiên cứu cho thấy, thuốc ngừa cơn corticosteroid dạng hít hay xịt là những thuốc có tác dụng tại chỗ, làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện chức năng phổi, giảm tính tăng đáp ứng của đường thở, kiểm soát tình trạng viêm của đường hô hấp, giảm tỷ lệ tử vong. Tác dụng phụ là khô miệng, nấm lưỡi, khàn tiếng, nhưng chỉ cần một động tác đơn giản là súc miệng sạch ngay sau khi hít, giúp giảm tác dụng phụ đáng kể.
Những thuốc điều trị ngừa cơn hiện nay ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đang dùng là symbicort (turbuhaler), seretide dạng MDI. Sử dụng thuốc ngừa cơn này khoảng một tuần thì bệnh nhân hen hầu như không còn lên cơn khó thở, nhưng điều đó không có nghĩa là hết bệnh mà bệnh nhân vẫn phải tuân thủ điều trị duy trì liều thuốc theo đúng hướng dẫn bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn. Sau mỗi 3-6 tháng, nếu bệnh nhân kiểm soát hen hoàn toàn bác sĩ sẽ giảm liều xuống một bậc, theo từng bậc thang điều trị, đến khi nào bệnh nhân đạt được liều thuốc thấp nhất nhưng vẫn hiệu quả nhất và ít tác dụng phụ nhất.
Cách sử dụng bình hít turbuhaler (xem ảnh):
- Bước 1: Vặn và mở nắp đậy ống thuốc.
- Bước 2: Giữ turbuhaler ở vị trí thẳng đứng, vặn phần đế qua bên phải hết mức và sau đó vặn ngược về vị trí ban đầu, ta sẽ nghe thấy một tiếng “click” là một liều thuốc đã được nạp vào.
- Bước 3: Thở ra (lưu ý không thở qua đầu ngậm), ngậm kín ống thuốc, hít vào bằng miệng mạnh và sâu.
- Bước 4: Lấy ống thuốc ra, nếu cần dùng thêm một liều, lặp lại từ bước 2 đến bước 4.