Thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở nam giới. Triệu chứng của
bệnh là xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn gây khó chịu, đau tức, ảnh hưởng đến
sinh hoạt và lao động cho người bệnh. Bệnh cũng có thể dẫn đến những biến chứng
nguy hiểm như tạng sa bị nghẹt dẫn đến hoại tử, người bệnh có thể tử vong nếu
không được điều trị kịp thời.
Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã triển khai
kỹ thuật cao trong điều trị thoát vị bẹn bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.
Theo đánh giá của các bác sĩ, phương pháp này mang lại hiệu quả cao, sau mổ ít
đau hơn, tỷ lệ tái phát thấp.
Xuất viện sớm, bình phục nhanh
Trường hợp thoát vị bẹn được phẫu thuật nội soi gần đây tại
bệnh viện là cho bệnh nhân N.V.T (48 tuổi, ngụ ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).
Trò chuyện với chúng tôi, ông T. kể khoảng ba năm nay vùng bẹn bên phải của ông
xuất hiện một khối phồng. Lúc đầu, kích thước khối phồng rất nhỏ, nên ông không
đi khám điều trị. Về sau, khối phồng ngày càng to khiến ông gặp nhiều khó khăn
trong việc đi lại, sinh hoạt và lao động. Cuối tháng 6 vừa qua, ông T. đến Bệnh
viện Đa khoa TP Cần Thơ khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị thoát vị bẹn và được chỉ
định phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới hoàn toàn ngoài phúc mạc. Sau phẫu thuật
vài ngày, ông T. đã đi lại bình thường và không còn cảm giác khó chịu.
BS.CKII La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa
khoa TP Cần Thơ - và cũng là bác sĩ phụ trách chính triển khai kỹ thuật này tại
bệnh viện sau khi tu nghiệp ở Pháp về, cho biết khoảng 90% bệnh nhân bị thoát vị
bẹn điều trị tại bệnh viện được áp dụng phẫu thuật nội soi, với hiệu quả điều
trị cao. Ưu điểm của phương pháp này là vết mổ nhỏ, thẩm mỹ, nguy cơ nhiễm
trùng thấp, ít gây đau, bệnh nhân xuất viện sớm (1-2 ngày sau mổ), nhanh chóng
hồi phục, có thể trở lại lao động, làm việc bình thường sau phẫu thuật 1-2 tuần;
ngoài ra tỷ lệ tái phát sau mổ rất thấp (khoảng 1%).
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, kỹ thuật này được
các bác sĩ thực hiện một cách thường quy. Từ khi triển khai vào năm 2007 đến
nay, ước tính có trên 500 trường hợp bệnh nhân thoát vị bẹn được phẫu thuật nội
soi với tỷ lệ thành công cao. Nhằm đánh giá kết quả thực tế của phẫu thuật nội
soi điều trị thoát vị bẹn đồng thời chia sẻ, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản
thân và các đồng nghiệp trong khoa, BS.CKII La Văn Phú và cộng sự cũng đã thực
hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá kết quả điều trị của phương pháp này
tại bệnh viện. Trong đó, đề tài về “Kết quả bước đầu điều trị thoát vị bẹn bằng
phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới hoàn toàn ngoài phúc mạc dưới gây tê tủy sống”
được báo cáo tại hội nghị phẫu thuật nội soi và ngoại khoa toàn quốc năm 2013
và một đề tài liên quan trong điều trị thoát vị bẹn: “Early results of totally
extraperitoneal approach for treatment of inguinal hernia” được báo cáo tại hội
nghị “Phẫu thuật nội soi và nội soi châu Á năm 2010”.
Điều trị sớm, giảm biến chứng
BS.CKII La Văn Phú cho biết thoát vị bẹn là bệnh lý khá thường
gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc ở nam nhiều hơn nữ. Bệnh có thể do nguyên nhân bẩm
sinh hoặc mắc phải. Tuy nhiên, điều trị thoát vị bẹn bằng phẫu thuật nội soi thường
được chỉ định cho bệnh nhân ở tuổi trưởng thành. Đây là một trong những kỹ thuật
cao, tương đối khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm rõ giải phẫu vùng bẹn, có
kinh nghiệm trong mổ thoát vị bẹn và kỹ năng mổ nội soi tốt.
Hiện kỹ thuật cao này cũng đang được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng
hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn
và Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại
tuyến y tế cơ sở.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh nhân nếu thấy xuất hiện
khối phồng ở vùng bẹn nên đi khám để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm.
Nếu không bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng, túi thoát vị to, lỗ thoát vị rộng;
lúc này nếu phẫu thuật bằng phương pháp nội soi sẽ khó khăn và nhiều trường hợp
không thể thực hiện được mà phải mổ mở. Nếu thoát vị bẹn không được phẫu thuật
sớm có thể bị biến chứng nghẹt (nghĩa là các tạng sa xuống bị thắt nghẹt không
thể lên được), lúc này bệnh nhân sẽ rất đau, phải phẫu thuật cấp cứu, nếu tạng
thoát vị nghẹt bị hoại tử sẽ rất nặng nề và có nguy cơ tử vong.