Thứ Ba, ngày 22-10-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Sàng lọc lao chủ động cho người dân quận Thốt Nốt
[ Cập nhật vào ngày (10/07/2024) ] - [ Số lần xem: 343 ]
Người dân được truyền thông phòng chống bệnh lao.
Người dân được truyền thông phòng chống bệnh lao.

Ngày 4/7/2024, thông tin từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, kết quả Chiến dịch phát hiện chủ động bệnh lao/lao tiềm ẩn quy mô lớn tại quận Thốt Nốt, đã phát hiện 21 ca lao phổi, 118 ca lao tiềm ẩn. Các trường hợp này đều được tư vấn, điều trị kịp thời.

Trước đó, từ ngày 14/6 đến ngày 28/6/2024, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ phối hợp Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt và 9 trạm y tế, cộng tác viên tổ chức sàng lọc, phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn cho người dân. Đối tượng khám sàng lọc gồm: Người tiếp xúc gần bệnh nhân lao phổi; Người có triệu chứng nghi lao (ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, sốt, sụt cân, ra mồ hôi đêm); Người nguy cơ: người từ 60 tuổi trở lên; người có bệnh hen/bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; người suy dinh dưỡng; người mắc các bệnh như bụi phổi, tim mạch, tiểu đường, HIV, suy thận mãn, điều trị thuốc ức chế miễn dịch kéo dài; người sử dụng rượu bia thường xuyên và người hút thuốc lá/thuốc lào hằng ngày.

TAM SOAT LAO THOT NOT - 0002.jpg

Người dân được chụp X-quang bằng xe X-quang lưu động.

Người dân được các bác sĩ hỏi tiền sử bệnh, tiền sử tiếp xúc bệnh nhân lao, tư vấn, khám, chụp X-Quang cho 2.028 trường hợp. Trong đó, 259 trường hợp có X-quang bất thường. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm gene xpert cho 233 trường hợp. Ngoài ra, trong đợt này cùng xét nghiệm Mantoux tầm soát lao tiềm ẩn cho 431 người. Đây là những người tiếp xúc với bệnh nhân lao trên 5 tuổi.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án Dự án USAID hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao do tổ chức FHI 360 phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thực hiện. Dự án triển khai tại 11 tỉnh/thành phố (An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và Bình Dương).

Dự án áp dụng chiến lược 2X, với X-quang ngực là chỉ định đầu tiên cho người nguy cơ mắc lao, tiếp theo là xét nghiệm GeneXpert/Truenat cho các trường hợp có X-quang ngực bất thường nghi lao hoặc có triệu chứng lâm sàng nghi lao điển hình để chẩn đoán lao hoạt động. Trong năm 2024, dự án đã áp dụng chiến lược 2X hỗ trợ các tỉnh triển khai hoạt động phát hiện tích cực bệnh lao tại 61 cơ sơ y tế và hoạt động phát hiện chủ động bệnh lao với hơn 400 ngày chiến dịch tại cộng đồng. Đặc biệt, xe X-quang lưu động hoặc máy X-quang cầm tay được cài đặt phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng đọc phim X-quang, tăng khả năng phát hiện bệnh lao.

Thiên Thanh




Đường dây nóng




Số lượng truy cập