Thứ Ba, ngày 30-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh
[ Cập nhật vào ngày (11/04/2024) ] - [ Số lần xem: 101 ]
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 10/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức “Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh” với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố và lãnh đạo các đơn vị y tế tại Trung ương và địa phương. Bộ Y tế nhận định trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn.

* Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Theo báo cáo Cục Y tế dự phòng, lũy tích đến ngày 7/4/2024, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng (TCM) là 10.196 ca (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ 2023), chưa ghi nhận ca tử vong. Trong đó số ca mắc ở miền Nam chiếm 74%, miền Bắc chiếm 13%, còn lại là miền Trung và Tây Nguyên. Về bệnh sốt xuất huyết (SHX), toàn quốc có 14.542 ca mắc (giảm 41,9% so với cùng kỳ), chưa ghi nhận ca tử vong, trong đó miền Nam chiếm 56%, miền Bắc chỉ chiếm 6%. Tình hình Cúm A (H9N2) mới ghi nhận 1 ca trên người tại tỉnh Tiền Giang và đây là ca nhiễm trên người đầu tiên tại Việt Nam. Đối với bệnh sởi, năm 2024 có 130 ca mắc, chưa ghi nhận ca tử vong, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024 đã có 118 ca mắc bệnh ho gà, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023.

TANG CUONG PCD - 0002.JPG

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Tại Cần Thơ, tính đến ngày 9/4/2024, ghi nhận 205 ca mắc SXH, giảm 542 ca so với cùng kỳ năm 2023, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Xảy ra 65 ổ dịch, giảm 153 ổ so với cùng kỳ. Tất cả các ổ dịch đều được giám sát và xử lý. Về TCM, có 274 ca mắc, tăng gấp đôi so với năm 2023, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca mắc chủ yếu là độ 2a và độ 1; số ca độ 2b và độ 3 tăng so với cùng kỳ năm 2023, không ghi nhận ca độ 4. Ghi nhận 01 trường hợp mắc sởi, được giám sát, xử lý ca bệnh tại cộng đồng. Sau 21 ngày theo dõi, những người tiếp xúc gần với bệnh nhận không ghi nhận ai có triệu chứng nghi ngờ liên quan đến bệnh sởi.

Theo CDC Cần Thơ, mặc dù đã và đang chủ động tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn. Công tác tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng chưa đạt hiệu quả cao do thiếu nguồn lực cộng tác viên; kinh phí hỗ trợ dành cho hoạt động của cộng tác viên quá ít (có nhiều địa phương gần như không có). Cán bộ chuyên trách tuyến huyện, tuyến xã phải đảm nhận nhiều chương trình, áp lực công việc lớn. Sự chủ quan và thiếu tinh thần tự giác của một bộ phận người dân trong hoạt động phòng chống dịch. Vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng thiếu thời gian dài...

TANG CUONG PCD - 0003.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế TP Cần Thơ, do ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, năm 2023, do ảnh hưởng của việc thiếu vắc xin trên quy mô toàn quốc, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt. Ngay sau khi được cung ứng vắc xin, các địa phương đã triển khai tiêm bổ sung cho những trẻ chưa được tiêm chủng ngay trong Quý I-II/2024. Khó khăn về cung ứng vắc xin có thể dẫn đến không đảm bảo trẻ em được tiêm chủng phòng bệnh và để khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng...

* Tăng cường các giải pháp phòng chống dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố chủ động tham mưu với UBND tỉnh/thành phố triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện các ca bệnh sớm ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng, các cơ sở y tế kịp thời và báo cáo theo quy định để Bộ Y tế phối hợp hỗ trợ. Đối với việc tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác tiêm bù, tiêm vét, gắn kết với dự phòng và điều trị. Ngoài ra, căn cứ số lượng, đối tượng tiêm chủng của địa phương, các cơ sở y tế lập nhu cầu tiêm chủng vắc xin cho cả năm gửi cho Sở Y tế trước ngày 30/5, trình UBND tỉnh trước 30/6 để Bộ Y tế có cơ sở đấu thầu, mua sắm vắc xin.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các Sở Y tế báo cáo với UBND tỉnh/thành phố bố trí kinh phí cho công tác y tế dự phòng, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng mở rộng bằng nguồn kinh phí địa phương; huy động các nguồn lực và sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm… Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Paster chủ động sớm, đảm bảo công tác hậu cần, kinh phí, sinh phẩm, vật tư y tế, thuốc; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật, nhất là công tác xét nghiệm cho y tế địa phương; tăng cường hỗ trợ, nâng cao chất lượng tỉ lệ tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh, đặc biệt nhóm bệnh có nguy cơ bùng phát và có số tử vong cao…

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vắc xin nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu. Riêng đối với ho gà, việc tiêm vắc xin dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích trên cơ sở sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà đối với phụ nữ có thai nhằm tăng miễn dịch khi trẻ sinh ngay sau sinh. Tăng cường công tác truyền thông, thực hiện biện pháp vệ sinh phòng bệnh...

Tại Cần Thơ, ngày 28/3/2024, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch 68/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2024. Mục tiêu chung nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn cế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

CDC Cần Thơ cũng tiếp tục tăng cường, duy trì sự chỉ đạo của các cấp về công tác phòng, chống dịch tại địa phương trong thành phố. Rà soát các đối tượng tiêm chủng thiếu các liều vắc xin, khi trung ương cấp vắc xin thực hiện tiêm chủng sớm. Nâng cao kỹ năng dự báo dịch để có phương án xử lý từng loại dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát: Bệnh do côn trùng truyền bệnh, bệnh lây qua đường tiêu hóa, bệnh lây theo đường hô hấp... phát hiện sớm, xử lý triệt để từng ca bệnh, ổ dich, không để dịch bùng phát và lan rộng. Tập huấn, đào tạo kỹ năng phòng chống dịch cho y tế cơ sở. Phối hợp các Ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch đặc biệt với ngành Nông nghiệp, Giáo dục… thực hiện công tác phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh Dại, Cúm A(H5N1), Liên cầu lợn,... Đa dạng hóa các nội dung, loại hình, phương thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh.

Minh Anh




Đường dây nóng




Số lượng truy cập