Thứ Sáu, ngày 26-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Công tác dân số trong tình hình mới
[ Cập nhật vào ngày (14/11/2018) ] - [ Số lần xem: 616 ]
Cán bộ y tế địa phương phối hợp cùng CTV dân số đến khám sức khỏe, thăm hỏi người cao tuổi tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền trong Đề án Nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương.
Cán bộ y tế địa phương phối hợp cùng CTV dân số đến khám sức khỏe, thăm hỏi người cao tuổi tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền trong Đề án Nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương.

Vấn đề dân số đã và đang là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Nâng cao chất lượng dân số đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng mạng lưới cộng tác viên (CTV) dân số cơ sở là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác dân số trong hình hình mới. Đó là chuyển trọng tâm chính sách từ dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS và KHHGĐ) sang dân số và phát triển.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Tại Hội thảo khoa học “Thành phố Cần Thơ - dân số và phát triển” do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức vào đầu tháng 9/2018, đồng chí Trần Việt Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, công tác DS-KHHGĐ đang đối mặt với những thách thức là dân số TP Cần Thơ vừa đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (độ tuổi từ 15-64 tuổi chiếm 71,2% dân số thành phố) vừa bước vào thời kỳ “già hóa dân số” (độ tuổi từ 65 trở lên chiếm 7,9% dân số thành phố) và một điều đáng quan tâm là độ tuổi từ 0-14 giảm còn 20,9%, giảm 3,1% so với năm 2004. Bên cạnh tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh thì vẫn còn tình trạng nhập cư quá mức vào các khu đô thị và khu công nghiệp làm giảm mạnh nguồn nhân lực tại các vùng nông thôn, chất lượng dân số thấp, nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết… Chính vì thế, điểm trọng tâm của Nghị quyết số 21-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới chính là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

BanNganhDTCongTacDS (2).jpg

Cán bộ dân số tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại huyện Vĩnh Thạnh.

Các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 21 là tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách về dân số; tranh thủ mọi nguồn lực từ ngân sách của địa phương và vận động xã hội hóa ưu tiên đầu tư cho công tác dân số; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân số các cấp.

Năm 2018, Tổng cục DS-KHHGĐ đã lựa chọn thành phố Cần Thơ là địa điểm tổ chức các cuộc tập huấn về thực hiện các chính sách dân số. Trong tháng 9 và 10 vừa qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tổ chức hai lớp tập huấn, gồm: Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và tập huấn phổ biến văn bản của Đảng, Chính phủ về kỹ năng đề xuất, tham mưu về công tác dân số trong tình hình mới đã cung cấp kiến thức, kỹ năng tham mưu, tổng hợp số liệu về dân số cho cán bộ dân số các tỉnh ĐBSCL nhằm nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược về dân số. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 21 đã đề ra cũng như thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020.

Chi cục DS-KHHGĐ cũng triển khai thực hiện các dự án, mô hình từ năm 2004 như Dự án Truyền thông thay đổi hành vi; Dự án Nâng cao năng lực quản lý chương trình DÂN SỐ-KHHGĐ; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Đề án Chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình sàng lọc trước sinh - sơ sinh… Mạng lưới CTV được bố trí đến tận ấp, khu vực, tổ dân phố, cụm dân cư theo phương thức quản lý đến tận hộ gia đình.

Ngành dân số phối hợp với Hội người cao tuổi thực hiện Đề án Nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương. Qua đó mô hình đã phát huy vai trò tích cực của người cao tuổi trong gia đình cũng như tại cộng đồng bằng những các hoạt động thiết thực, các hội viên đã cùng nhau chăm lo sức khỏe, hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn... mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác DS-KHHGĐ cũng được đẩy mạnh thông qua các ban, ngành, đoàn thể; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố; Sở Giáo dục và Đào tạo,… thường xuyên lồng ghép các buổi tuyên truyền, giáo dục giới tính cho người dân, học sinh, sinh viên.

Tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông

Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác DS-KHHGĐ của thành phố đạt nhiều kết quả khả quan. Đó là, thành phố duy trì mức sinh thay thế; phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên phát triển mạnh mẽ; các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được phổ biến rộng rãi; tỷ số giới tính khi sinh được kiểm soát.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ về sự khó khăn, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, ngành dân số địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình DS-KHHGĐ hàng quí, 6 tháng và năm. Đồng chí Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy xác định công tác tuyên truyền phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Cần tăng cường phối hợp liên ngành, đoàn thể các cấp và cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số. Thực hiện các phong trào thi đua, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Thường xuyên, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quán triệt và xây dựng chương trình kế hoạch phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 21. Tranh thủ mọi nguồn lực từ ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa ưu tiên đầu tư cho công tác dân số; phối hợp tích cực, bám sát định hướng của ngành dân số, tạo nên một sức mạnh tổng hợp góp phần vào thành công của công tác DS-KHHGĐ.

Bài, ảnh: Duy Lê




Đường dây nóng




Số lượng truy cập