Thứ Sáu, ngày 26-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11/2018: Lưu ý sai lầm thường gặp của bệnh nhân đái tháo đường
[ Cập nhật vào ngày (14/11/2018) ] - [ Số lần xem: 529 ]
BS.CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ chia sẽ những vấn đề sai lầm  thường mắc phải của bệnh nhân về bệnh ĐTĐ.
BS.CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ chia sẽ những vấn đề sai lầm thường mắc phải của bệnh nhân về bệnh ĐTĐ.

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) dẫn đến 3,7 triệu ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán kịp thời, tuân thủ điều trị kết hợp phương pháp tập luyện tích cực kèm lối sống lạc quan thì người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh. Tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ ĐTĐ lần thứ 50 của Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, BS.CKII Trần Quốc Luận chia sẻ những vấn đề sai lầm thường mắc phải của bệnh nhân về bệnh ĐTĐ.

*Sai lầm trong ăn uống

Béo phì và chế độ dinh dưỡng quá nhiều đường là hai yếu tố nguy cơ gây ĐTĐ. Song song đó, người bệnh còn phải đối mặt với nhiều yếu tố khác như tiền sử bệnh trong gia đình, tăng huyết áp, độ tuổi… Trên thực tế, không phải ai béo phì cũng bị ĐTĐ và rất nhiều bệnh nhân ĐTĐ có cân nặng hoàn toàn bình thường.

sai lam dieu tri DTD - 0002.jpg

Bệnh nhân được test đường huyết tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ.

Khi mắc ĐTĐ, nhiều bệnh nhân lo sợ đường huyết tăng nên kiêng cử quá mức. Nhiều người nghĩ rằng, nếu như kiêng tất cả các loại đường và không ăn tinh bột thì sẽ mang lại hiệu quả tốt trong kiểm soát ĐTĐ. Điều này không đúng vì bữa ăn của người ĐTĐ phải là một bữa ăn cân đối, có đầy đủ các thành phần tinh bột, mỡ, đạm để điều hòa tốt nhất. Người bệnh ĐTĐ chỉ cần ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng để kiểm soát cân nặng. Bên cạnh đó, mỗi người đều có đặc điểm sức khỏe khác nhau nên không nhất thiết phải tuân thủ bất kỳ chế độ ăn cố định nào. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ nên có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có được chế độ ăn hợp lý cho bản thân.

Giảm cân đóng vai trò cực kỳ quan trọng với bệnh nhân ĐTĐ. Theo nghiên cứu, chỉ cần giảm 7% trọng lượng bạn đã giảm nguy cơ biến chứng ĐTĐ đến 58%.

* Sai lầm trong sinh hoạt, luyện tập

Quan điểm bệnh nhân mắc ĐTĐ cần tránh chơi thể thao là không đúng. Mà ngược lại, vận động - tập luyện thể thao phù hợp mang lại hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt, giảm các yếu tố nguy cơ bệnh lí tim mạch khác như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, giảm thừa cân, béo phì… Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân tập luyện thái quá cũng không tốt cho sức khỏe. Theo Hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA) khuyến cáo nên dành khoảng 30 phút tập luyện, ít nhất 5 ngày/tuần. Nếu không thực hiện được mỗi ngày 30 phút liên tục, bạn có thể phân nhỏ thành 10 phút một trong nhiều lần bao gồm đi bộ nhanh, leo cầu thang, bơi và khiêu vũ.

*Sai lầm trong điều trị

Điều trị ĐTĐ không quá tốn kém, phức tạp và đau đớn như nhiều người lầm tưởng. Phương pháp điều trị bệnh ĐTĐ tập trung vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, thư giãn tinh thần. Đây là những việc rất đơn giản, tiết kiệm và không gây đau đớn. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn dùng thêm thuốc hỗ trợ điều trị khi các biện pháp trên không kiểm soát tốt. Hiện nay, 90% bệnh nhân ĐTĐ có tham gia BHYT nên chi phí điều trị phần lớn đã được BHYT chi trả.

ĐTĐ là bệnh lý mạn tính cần điều trị lâu dài và bắt buộc phải tái khám định kì. Nếu không theo dõi đường máu sẽ tăng trở lại và khả năng mắc các biến chứng nặng hơn. Điều cần lưu ý khi đi khám bệnh là bệnh nhân nhớ đem theo sổ hoặc toa thuốc để bác sĩ theo dõi liều lượng, loại thuốc đang sử dụng, thuận tiện điều chỉnh thuốc khi cần. Nhiều bệnh nhân thường chủ quan sử dụng thuốc của người khác, điều này không đúng vì mỗi bệnh nhân sẽ có một đáp ứng thuốc khác nhau và có một mục tiêu điều trị riêng. Khi hết thuốc, bệnh nhân ngưng thuốc điều trị, điều này sẽ làm sai lệch kết quả đường huyết, khó điều chỉnh liều thuốc và có thể bị các nguy cơ gây biến chứng tiếp theo của bệnh. Bệnh nhân ĐTĐ type 2 thiếu insulin sẽ làm tăng đường huyết cao, gây mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân ĐTĐ type 1 thiếu insulin có thể phải đi cấp cứu vì nhiễm toan ceton.

Những người bị tăng đường huyết sau ăn 2 giờ sẽ có nguy cơ gây biến chứng tim mạch nhiều hơn tăng đường huyết lúc đói. Do đó, người bệnh bắt buộc phải theo dõi thường xuyên đường máu lúc đói và đường máu sau ăn để đạt HbA1c mục tiêu, cho đến khi đường máu ổn định rồi thì các bác sĩ khuyến cáo người bệnh giảm dần số lần xét nghiệm.

Người mắc ĐTĐ thường có bệnh kết hợp như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... nhưng đa số bệnh nhân chỉ tập trung kiểm soát đường huyết mà bỏ quên các bệnh lí này. Đây là các yếu tố nguy cơ kết hợp có tác động qua lại. Nếu điều trị không ổn định toàn diện sẽ gây các biến chứng tim, thận, não… Biến chứng thường gặp và có chi phí điều trị tốn kém nhất là loét bàn chân do ĐTĐ. Tỉ lệ đoạn chi cao gây tàn phế nếu điều trị không phù hợp. Do đó, khi phát hiện có vết loét nhỏ người bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh ĐTĐ type 2 thường tiến triển âm thầm mà không có triệu chứng gì mà người bệnh có thể tự nhận biết được, nên thường được phát hiện rất muộn, trung bình khoảng 10 năm sau khi bệnh xuất hiện. Do vậy, ngay khi ĐTĐ được chẩn đoán, một tỷ lệ không nhỏ, có thể lên đến 1/3 trong số người bệnh ĐTĐ type 2 đã có các biến chứng võng mạc, cũng như các biến chứng khác. Theo Hội Nội Tiết ĐTĐ Việt Nam: Kể cả khi người bệnh kiểm soát tốt  đường huyết, đường huyết của họ vẫn thường cao hơn so với người bình thường không mắc ĐTĐ. Do đó họ vẫn có thể bị biến chứng võng mạc do ĐTĐ, nhưng ít  hơn so với những người kiểm soát đường huyết không tốt. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác có thể góp phần gây biến chứng này như: tăng huyết áp, rối loạn lipid  máu, hút thuốc lá và sự nhạy cảm cá nhân người bệnh với tăng đường huyết.

Người mắc ĐTĐ ít bị sâu răng không? Người bị ĐTĐ có nguy cơ sâu răng cao hơn những người bình thường nếu như họ không có một chế độ ăn uống hợp lý. Thủ phạm là sự tập trung quá nhiều đường trong nước bọt. Vì thế, vệ sinh răng miệng ở bệnh nhân ĐTĐ cần được tuân thủ nghiêm ngặt, đánh răng sau khi ăn và kiểm tra răng miệng định kì (ít nhất 2 lần/năm).

ĐTĐ thai kì sau khi sinh có cần kiểm tra đường huyết không? Đa số các bệnh nhân ĐTĐ mang thai, đường máu sẽ trở về bình thường sau khi sinh, khoảng 5% các bệnh nhân này sẽ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 sau sinh. Vì vậy, các bệnh nhân ĐTĐ thai kì cần được khám, làm xét nghiệm đường máu hoặc làm lại nghiệm pháp dung nạp glucose (nếu cần thiết) vào tuần thứ 4-12 sau sinh để chẩn đoán liệu có ĐTĐ thực sự, sử dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh ĐTĐ, và nếu âm tính, cần làm lại chẩn đoán sau mỗi 3 năm/lần. 

Thói quen sử dụng thuốc nam thường được người dân nông thôn lựa chọn trong điều trị ĐTĐ. Điều này rất sai lầm và cần cảnh báo về mức nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc gây nên. Hiện có nhiều thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc bị ngành chức năng kiểm tra, xử lý. Việc sử dụng các thuốc không rõ ràng, không được thử nghiệm, kiểm nghiệm rất nguy hiểm, không chỉ tăng hoặc hạ đường huyết quá mức mà còn gây tổn thương chức năng gan, thận,… thậm chí tử vong vì nhiễm toan.

Bài, ảnh: Kim Nhiên




Đường dây nóng




Số lượng truy cập