Thứ Sáu, ngày 26-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Sống chung với bệnh cao huyết áp
[ Cập nhật vào ngày (17/10/2014) ] - [ Số lần xem: 1067 ]

Tại sao lại có câu nói “Sống chung với bệnh cao huyết áp”? Bởi, căn bệnh này không thể chữa khỏi mà chỉ có thể khống chế được, ngoại trừ trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân. Vậy nên, để đối phó với bệnh lý này, bệnh nhân chỉ còn cách chung sống hòa bình với cao huyết áp.

W_THA.jpg
Đo huyết áp thường xuyên để kiểm soát sức khỏe, chủ động  phòng bệnh cao huyết áp. Ảnh: L.Y

* Nhận diện bệnh


Cao huyết áp là một căn bệnh nguy hiểm, được gọi là “một kẻ giết người âm thầm”. Bởi, bệnh lý này không có dấu hiệu rõ ràng nhưng mức độ nguy hiểm rất lớn. Bệnh có triệu chứng như: đau đầu, ù tai, hoa mắt…thường bị người bệnh chủ quan và bỏ qua. Cao huyết còn được gọi là tăng huyết áp mà trong dân chúng được gọi nôm na là bệnh tăng xông. Đây là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng và tăng theo độ tuổi.

Người bị cao huyết áp sẽ có những dấu hiệu như nhức đầu vào sáng sớm, cơn đau đầu đến dữ dội và liên tục, khiến hoa mắt chóng mặt, nôn ói, có vấn đề về thị giác, tim đập nhanh, ngăn ngực, khó thở, đổ mồ hôi, cảm giác mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ… Những triệu chứng này xuất hiện có thể là người đó đang mắc bệnh cao huyết áp và cần đến bác sĩ để tư vấn và điều trị kịp thời.

Những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý cao huyết áp mặc dù chưa được xác định nhưng những yếu tố có mối liên quan chặt chẽ với căn bệnh này như: Hút thuốc lá, người béo phì hoặc dư cân, đái tháo đường, người làm công việc phải ngồi lâu, thiếu hoạt động về thể lực, ít vận động, lượng muối nạp vào cơ thể nhiều, thiếu hấp thu kali, calci, magiê, thiếu hụt vitamin D, uống rượu bia nhiều, thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, bị áp lực. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: Do tuổi già, sức khỏe yếu, mắc bệnh thận mãn tính, bướu và các bệnh lý của tuyến thượng thận hay tuyến giáp, đặc biệt, phải kể đến yếu tố di truyền, tức là trong gia đình có người bị bệnh cao huyết áp.

Theo khuyến cáo của y học, đo huyết áp định kỳ hàng tháng là một việc làm hết sức quan trọng, cần thiết và ý nghĩa cho sức khỏe của mỗi người. Đo huyết áp thường xuyên sẽ giúp chúng ta theo dõi và phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời. Vì tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong và để lại di chứng thần kinh nặng nề như: liệt nửa người, hôn mê và phải sống đời sống thực vật, đồng thời, có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, mất khả năng lao động. Theo phân hội tăng huyết áp Việt Nam, khi trị số huyết áp tâm thu > 140mmHg và huyết áp tâm trương >90 mmHg được xem là tăng huyết áp. Đối với người có tuổi, dạng tăng huyết áp phổ biến là tăng huyết áp tâm thu đơn thuần tức là chỉ số huyết áp tâm thu >160mmHg nhưng huyết áp tâm trương không cao (<90mmHg).

* Phòng tránh và sống chung

Hiện nay, có đến 90%-95% bệnh nhân bị cao huyết áp là vô căn, mãn tính, phải sống chung với bệnh suốt đời. Vì thế, để tránh những biến chứng nặng nề và nguy hiểm, người bị cao huyết áp cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch đối phó với bệnh như:

- Một trong những biện pháp phòng bệnh tăng huyết áp hữu hiệu là cải thiện chế độ ăn uống. Vì chế độ ăn uống có liên quan mật thiết đến bệnh tăng huyết áp. Để phòng bệnh này, mỗi người cần giảm ăn mặn (ít hơn 4g muối mỗi ngày, ít hơn 1 muỗng cà phê muối, hoặc ít hơn 2 muỗng canh nước mắm hoặc nước tương). Việc ăn mặn khiến nước bị tích trữ trong cơ thể (vì muối có xu hướng trữ nước) làm mạch máu bị căng, khiến nguy cơ tăng huyết áp xuất hiện.

- Mỗi người cần ăn nhiều rau, ít chất béo, hạn chế ăn mỡ động vật mà nên thay bằng dầu thực vật. Cần hạn chế các thực phẩm nhiều Cholresterol như: tim, gan, óc, trứng...). Đặc biệt, cần cai rượu bia (với người nghiện), hạn chế uống rượu bia, tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.

- Để chế độ ăn uống như trên phát huy được hiệu quả cần kết hợp giảm lo âu buồn phiền, tạo tinh thần thoải mái, xây dựng chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tăng cường tập thể dục và khám sức khỏe định kỳ. Những người bị béo phì cần giảm cân, điều chỉnh rối loạn lipid,…

- Kiên trì điều trị: Nếu đã mắc phải căn bệnh này, bệnh nhân cần kiên trì điều trị, tránh trường hợp nhiều bệnh nhân sau khi thấy huyết áp về mức bình thường hay tự ý ngừng điều trị vì cho rằng đã khỏi bệnh và sức khỏe lại. Đây là sai lầm tai hại, bởi, cao huyết áp là bệnh mạn tính, khó chữa dứt điểm. Chỉ cần một tác động nào đó, huyết áp có thể tăng đột biến, dễ xảy ra tai biến. Vì vậy, người cao huyết áp cần cảnh giác và liên tục kiểm tra huyết áp nhằm phòng chống các tai biến nguy hiểm.
BS.CKII Nguyễn Minh Thắng - Quyền Giám đốc TTTT GDSK




Đường dây nóng




Số lượng truy cập