Loãng xương là một rối loạn chuyển hoá của bộ xương gây giảm
khối lượng và chất lượng khiến xương giòn, mỏng, dễ gãy ngay cả khi không
bị chấn thương. Triệu chứng dễ quan sát là người bệnh giảm dần chiều cao và
đau lưng. Đo mật độ xương là một trong những tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh
loãng xương, từ đó chủ động điều trị hiệu quả bệnh lý này.
Đây là trường hợp của cụ bà P. T. S (70 tuổi, địa chỉ tại
huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) đến tái khám và điều trị ngoại trú bệnh loãng
xương tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Cách đây 3 năm, cụ bà từng đến bệnh viện
trong tình trạng đau đột ngột, dữ dội vùng lưng khiến việc xoay trở khó khăn,
không thể ngồi, không đi lại được.
Người bệnh được các bác sĩ thăm khám, chụp cộng hưởng từ
(MRI) cột sống thắt lưng, đo loãng xương, xét nghiệm máu, đo điện tim, với kết
quả chẩn đoán bị loãng xương nặng, gãy lún nhiều đốt sống ngực, thắt lưng. Người
bệnh được điều loãng xương bằng truyền thuốc chống loãng xương kết hợp với các
thuốc giảm đau, canxi. Sau một tuần điều trị, người bệnh xuất viện và được hướng
dẫn thăm khám ngoại trú. Sau 3 tháng chăm sóc và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng
phù hợp, tình trạng đau lưng của người bệnh được cải thiện đáng kể, có thể tự
đi lại được, tự chăm sóc bản thân. Người bệnh vẫn tiếp tục thực hiện theo hướng
dẫn chế độ ăn giàu canxi, luyện tập thể dục, tái khám đều đặn và truyền thuốc
chống loãng xương định kỳ mỗi năm một lần liên tục trong 3 - 5 năm.
Đến tháng 10/2024, cụ bà vẫn theo hẹn tái khám để truyền thuốc
chống loãng xương lần thứ 3. Hiện tại, cụ bà có sức khỏe ổn định, không cần phải
dùng đến thuốc giảm đau mà vẫn cảm thấy xương khớp đỡ đau nhức hơn nhiều so với
lúc trước bệnh.
BS.CKI. Ngô Thị Yến Nhi, Khoa Ngoại thần kinh - Cơ xương khớp,
Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Loãng xương là bệnh chưa được quan tâm
đúng mức vì diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xuất
hiện tình trạng bị gãy xương. Gãy xương (vùng hông, vùng đốt sống) là biến cố nặng
nề nhất của loãng xương vì gây đau đớn, nguy cơ tàn phế và tử vong. Theo thống
kê của Hội loãng xương Quốc tế (IOF), có gần 25% trường hợp gãy xương vùng hông
tử vong trong năm đầu tiên, 20% cần được chăm sóc y tế lâu dài và 30% không thể
trở lại công việc trước khi gãy xương. Sau khi gãy xương, người bệnh luôn có
nguy cơ tái gãy xương nếu không có biện pháp điều trị tích cực.
Khảo sát khi tầm soát mật độ xương của gần 100.000 người Việt
Nam do Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp thực hiện năm 2023 - 2024 cho thấy,
50% người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ loãng xương và 27% đã loãng xương. Do
đó, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc phòng và điều trị bệnh lý này.
Đối với người bệnh đang điều trị loãng xương cần dùng thuốc
thích hợp và liên tục, tuân thủ điều trị để giảm nguy cơ gãy xương và tái gãy
xương. Với những trường hợp nguy cơ loãng xương cao như: lớn tuổi (nữ trên 65
tuổi; nam trên 70 tuổi); tất cả người lớn có gãy xương sau tuổi 50; những người
bệnh dùng corticoid kéo dài, hút thuốc lá, uống rượu/bia, thể trạng thấp bé, nhẹ
cân, bệnh khớp mạn tính (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lupus
ban đỏ hệ thống), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thận mạn,.. nên được thăm
khám để được tầm soát và điều trị loãng xương.