Cục Quản lý Môi trường y tế làm việc về nội dung đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Phòng bệnh
Ngày 26/9/2023, Cục Quản lý Môi trường y tế làm việc với Sở,
ban ngành, Liên đoàn Lao động thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần
Thơ về việc xin ý kiến trực tiếp nội dung đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Phòng bệnh.
Nội dung buổi làm việc về khảo sát tình hình thực thi các
văn bản pháp luật và chính sách hiện hành liên quan; Tham vấn ý kiến của các
đơn vị liên quan địa phương về các nội dung quy định chi tiết được đề xuất đưa
vào trong Dự thảo Luật Phòng bệnh; Các thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội,
giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật để luận giải các nội dung đã đề
xuất trong Dự thảo Luật Phòng bệnh.
Cụ thể, xin ý kiến trực tiếp nội dung đề xuất đưa vào Dự thảo
Luật Phòng bệnh, khảo sát tình hình thực thi các văn bản pháp luật và chính
sách hiện hành về 8 chủ đề gồm: Nước sạch, nhà tiêu và vệ sinh môi trường; Biến
đổi khí hậu và sức khỏe; Bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế; Bảo vệ và nâng cao
sức khỏe khỏe người lao động; Phòng chống tai nạn thương tích; Y tế trường học;
Ứng phó khẩn cấp với sự kiện y tế công cộng; Đánh giá tác động sức khỏe tại địa
phương và các bên liên quan.
Được biết, Dự án Luật Phòng bệnh được Bộ Y tế đề nghị triển khai
thực hiện. Giao Cục Quản lý Môi trường y tế phối hợp với các chuyên gia của
Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (sau đây gọi
tắt là CCHIP) xây dựng dự thảo các nội dung chi tiết đề xuất đưa vào dự thảo Luật
Phòng bệnh. Từ ngày 31/08/2023 đến ngày 28/09/2023, Cục Quản lý Môi trường y tế
xin ý kiến trực tiếp tại các tỉnh/thành phố: Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên,
Lào Cai, Hà Tĩnh, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Tháp, và Cần Thơ.
Bộ Y tế đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh với 5 chính sách
sau: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc
bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch; Dinh dưỡng với sức khỏe; Phòng, chống
các rối loạn sức khỏe tâm thần; Phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Quản lý sức
khỏe đối với người dân.
Theo Bộ Y tế, mục tiêu chính sách là góp phần nâng cao sức
khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của
người Việt Nam. Kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống
phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ
lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh
không lây nhiễm; quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.