Từ ngày 27-28/9/2023, tại Cần Thơ, Cục Quản lý Môi trường y
tế - Bộ Y tế tổ chức lớp tập huấn về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn
viên cơ sở y tế cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế, Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật, bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của 13 tỉnh/thành phố ĐBSCL.
Lớp tập huấn trình bày các nội dung về quy định thủ tục pháp
lý môi trường và vận chuyển, xử lý chất thải y tế; Quy định về phân loại, thu
gom, lưu trữ chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; Hành vi vi phạm
thường gặp trong công tác quản lý chất thải y tế; giảm thiểu chất thải nhựa
trong hoạt động y tế; Hướng dẫn lập kế hoạch trong quản lý chất thải y tế; Hướng
dẫn thực hiện công tác báo cáo quản lý chất thải y tế…
Các đại biểu dự tập huấn.
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế
cho biết: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 chính thức có hiệu lực thi
hành từ ngày 1/1/2022. Thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã
ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật. Một số
quy định hiện nay đã thay đổi so với các quy định trước đây, đặc biệt là các
quy định liên quan đến giấy phép môi trường. Lớp tập huấn mong muốn nâng cao
năng lực về kiến thức, thực hành, ý thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, cán bộ
chuyên trách trong các cơ sở y tế.
Về hoạt động giảm chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế
gồm: Sử dụng thuốc uống thay thuốc tiêm (nếu có thể), sử dụng tiết kiệm hiệu quả
trang thiết bị y tế; Nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy trình kỹ
thuật, quy chế chuyên môn để giảm thiểu chất thải nhựa; Sử dụng các vật dụng, vật
tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hoá chất làm từ
vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình
khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu và
các hoạt động chuyên môn y tế khác; Sử dụng túi giấy/túi thân thiện môi trường
để đựng thuốc (cho người bệnh mang về hoặc cấp phát thuốc tại các khoa, phòng);
Sử dụng bao bì bằng vải hoặc chất liệu thân thiện môi trường khác để đựng quần
áo của người bệnh (sạch/bẩn); Ứng dụng công nghệ thông tin trong trả kết quả chụp
X-quang để hạn chế in phim…
Tại lớp tập huấn cũng giới thiệu sáng kiến “Cải tiến phương
pháp thu gom, vận chuyển đồ vải bằng túi nilon sang túi vải chống thấm” tại
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện A Thái Nguyên. Qua đó, giảm thiểu chất
thải nhựa, nilon thải ra môi trường mỗi ngày, tiết kiệm chi phí, thời gian,
nhân công, cơ số quay vòng nhanh. Mỗi năm Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đã tiết kiệm
được khoảng 195 triệu đồng.