Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công cho trường
hợp bệnh nhân nữ có viên sỏi thận kích thước lớn bằng phương pháp tán sỏi thận
qua da đường hầm nhỏ (PCNL: Percutaneous Nephrolithotomy) với nhiều ưu điểm vượt
trội so với phương pháp mổ hở.
Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam
từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm đến 40%. Đi kèm đó là nỗi sợ hãi phải lên bàn
mổ của không ít người bệnh. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới sẽ giúp người bệnh
nhanh chóng loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể mà không cần phẫu thuật.
Như trường hợp của Bà L. T. B (58 tuổi, địa chỉ tại huyện
Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) bị tình trạng sốt kéo dài, đau hông phải, tiểu buốt,
có lẫn máu trong nước tiểu nhiều năm nay. Bà B đã nhiều lần tự mua thuốc uống
và dùng thuốc nam để điều trị, đồng thời đi khám tại y tế địa phương nhưng tình
trạng không cải thiện nên đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị. Sau khi thăm
khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, hình ảnh MSCT cho thấy thận phải ứ
nước độ I do viên sỏi kích thước 2,4 x
2cm trong thận phải của người bệnh. Người bệnh được chẩn đoán: Thận phải ứ nước
độ I do sỏi thận phải, nhiễm trùng tiểu trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường
type 2. Sau khi điều trị nhiễm trùng ổn, ekip bác sĩ quyết định điều trị cho
người bệnh bằng phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (Mini PCNL). Phương
pháp này đang được áp dụng rộng khắp tại nhiều nơi trên thế giới và vừa được
triển khai tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Ca mổ kéo dài 90 phút, sau mổ 2
ngày, tình trạng sức khoẻ người bệnh ổn định và hiện đã được xuất viện theo dõi
tái khám ngoại trú.
Ths.BS. Trần Hữu Thiện, Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện
Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Trong phẫu thuật tán sỏi thận qua da, bác sĩ tạo ra
một đường hầm tiếp cận viên sỏi từ ngoài da tại vùng hông lưng. Đường hầm có
kích thước dưới 1cm nên vết rạch da rất nhỏ, bác sĩ sẽ đưa thiết bị vào qua đường
hầm này, sau đó các viên sỏi được tán vụn như hạt cát mịn và hút ra bằng máy
tán qua đường hầm nhỏ dưới da. Tán sỏi qua da thể hiện vai trò quan trọng trong
điều trị cho các trường hợp sỏi thận to, sỏi san hô, sỏi thận tái phát. Kỹ thuật
tạo đường hầm từ da trực tiếp đến sỏi sẽ giúp bệnh nhân ít đau, ít thổn thương
mô xung quanh, đặc biệt ít gây tổn hại cho thận. Điều này mang lại nhiều lợi
ích cho người bệnh. Trong khi đó, nếu mổ mở, người bệnh sẽ phải chịu một đường
mổ dài khoảng 15 cm ở vùng hông lưng. Vết mổ sẽ cắt đứt cơ vùng hông lưng gây tổn
thương thần kinh, xương sườn số 12 và mô xung quanh thận. Trong mổ mở, các lớp
cân, cơ dùng dao điện để cắt đốt, bể thận hoặc kèm chủ mô thận được xẻ ra để lấy
sỏi. Tổn thương sau mổ mở là khá lớn, đòi hỏi thời gian sau phẫu thuật kéo dài,
lâu hồi phục và mức độ đau nhiều sau mổ.
Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ hiện được xem là kỹ thuật
vàng trong điều trị sỏi thận lớn (hơn 2 cm) hoặc sỏi thận phức tạp, sỏi thận
tái phát với các ưu điểm như ít xâm hại, ít tai biến, bảo tồn chức năng thận,
thời gian hồi phục hậu phẫu nhanh. Tỷ lệ sạch sỏi của tán sỏi thận qua da được
báo cáo lên đến 90%, tùy vào đặc tính của sỏi và thiết bị được sử dụng trong
quy trình. Về mặt chỉ định, phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các trường
hợp sỏi thận có chỉ định mổ hở, điều trị sỏi thận thất bại với nội soi ống mềm
hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
BS Thiện cũng thông tin thêm, các trường hợp sỏi thận có thể
không triệu chứng gì báo hiệu hoặc bệnh nhân thấy đau nặng vùng hông lưng là dấu
hiệu nổi bật và thường gặp nhất của bệnh.
Đội khi bệnh nhân phải chịu những cơn đau quặn thận, đau nhiều hơn khi sỏi
di chuyển, đi tiểu gắt hoặc nước tiểu có máu…,người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế
để được thăm khám. Các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng để
đánh giá kích thước, số lượng, vị trí. Từ đó sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.