Sốt xuất huyết gia tăng
Năm nay nắng nóng kéo dài, mãi đến cuối tháng sáu, mưa mới
nhiều. Sự biến đổi khí hậu đã tác động và tạo thuận lợi cho những diễn biến phức
tạp và khó lường của các dịch bệnh xuất hiện. Tại thành phố Cần Thơ, năm nay dịch
bệnh sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng tăng. Tính đến ngày 19/6, thành phố có
225 ca mắc SXH, tăng 53 ca so cùng kỳ năm 2014. Ở một số quận, huyện mà năm trước
số ca mắc thấp nhưng năm nay bỗng tăng cao. Quận Ô Môn có 48 ca mắc SXH; quận
Thốt Nốt xảy ra 40 ca mắc SXH;. Trong khi đó cùng kỳ này năm 2014, số ca mắc SXH
ở hai quận Ô Môn và Thốt Nốt là 19 ca và 9 ca, tức số mắc SXH ở hai quận này tăng
lần lượt 152% và 344%.
Phòng chống SXH là nhiệm vụ trọng tâm
Cùng với bác sĩ Lê Minh Trung, trưởng trạm y tế phường Long
Hưng, tôi đến khu vực Long Thành, nơi vừa xảy ra một ca SXH độ C (độ nặng). Ca SXH
độ C này là một trong số ba ca mắc của phường. Ca bệnh là bé gái Đỗ Thị Bích
Nal, 7 tuổi. Ngôi nhà trống vắng người lớn, bé Nal đã được cha mẹ đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Bác sĩ Trung kể về
trường hợp mắc bệnh của bé Nal: Bệnh nhi mắc SXH nhưng người nhà chủ quan,
không đưa đến trạm y tế và bệnh viện ngay mà lại tự mua thuốc điều trị, đến
ngày thứ tư khi bệnh trở nặng mới đi…
Ngôi nhà bán kiên cố của bệnh nhi Nal nằm trên khu đất rộng.
Mấy hôm qua vắng người chăm sóc, khu đất trông rất bừa bộn. Các vật dụng trên
khu đất nằm ngỗn ngang. Nằm chơ vơ trên sân là hai chiếc vỏ xe cũ của chiếc máy
cày của chủ nhà phế thải mà theo bác sĩ Trung cho biết, hôm xử lý ổ dịch, cán bộ
y tế phòng dịch rọi đèn phát hiện nhiểu lăng quăng, sau đó đã đổ nhớt và muối
vào để diệt mầm gây bệnh sốt xuất huyểt.
“Trước đây, khu vực Long Thành từng có ổ dịch SXH. Năm nay theo
chu kỳ của dịch bệnh SXH, nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất lớn, đặc biệt từ những
ổ dịch cũ,”. Bác sĩ Trung nói. “Thực hiện quy trình xử lý ổ dịch, ngay khi nhận
được thông tin báo có ổ dịch ở khu vực Long Thành, trạm y tế đã tổ chức xử lý
ngay ổ dịch. Trạm y tế đã mở nhiều đợt kiểm tra lăng quăng tại khu vực Long
Thành và toàn phường, phun thuốc diệt muỗi trong phạm vi bán kính hơn hai trăm
mét tính từ ổ dịch, đồng thời tuyên truyền cho người dân kiến thức và các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Trạm y tế quyết tâm không dịch bùng phát.”
Rời phường Long Hưng, tôi đến phường Thới An, nơi có 13 ca SXH
nhiều nhất quận tính từ đầu năm đến ngày 19/6. Nhưng tất cả số ca mắc đều ở độ
A (nhẹ) và phường chưa phát hiện có ổ dịch. Y sĩ Cao Văn Ngà, quyền Trưởng trạm
y tế phường cho biết:“Nếu so với hai năm 2013, 2014, số ca mắc SXH trong sáu
tháng đầu năm nay tăng gấp bốn lần, thấp hơn so với bình quân 20 ca SXH cùng kỳ
của các năm 2006 đến 2011. Như vậy chu kỳ dịch bệnh SXH có thể đang quay lại.”
Là lãnh đạo trạm y tế nhiều năm đối phó với dịch bệnh SXH, y
sĩ Ngà luôn chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm, chủ động tham mưu cho cấp ủy, ủy ban các biện pháp
phòng chống dịch cho 18 khu vực trong phường. Anh cho biết:“Theo quy định, hằng
tháng cứ ngày 10, ngày 20, ngày 30 dương lịch, tất cả cơ quan, các trường học
và hộ dân trong phường đều tham gia tổng vệ sinh môi trường; trạm y tế phối hợp
cùng các khu vực tổ chức kiểm tra lăng quăng, nhắc nhỏ người dân thu gom vật liệu
phế thải, không để nơi cho muỗi sinh sản, lăng quăng trú ẩn. Trạm y tế nuôi cá
bảy màu và vận động nhiều hộ dân nuôi cá bảy màu, cá lia thia để giúp nhau diệt
lăng quăng, phòng dịch bệnh SXH và các dịch bệnh khác do muỗi gây ra.”
Tại phường Châu Văn Liêm, tính từ đầu năm đến ngày 19/6, đã có
12 ca SXH xảy ra tại địa phương, tập trung ở khu vực 14. Trong đó có 3 ca độ C
(nặng). Đây cũng là nơi từng có ổ dịch cũ. Đến nay, phường đã tổ chức ba đợt ra
quân diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, huy động hằng trăm lượt
cán bộ, nhân viên y tế, các ngành, đoàn thể và người dân tham gia. Thực hiện
quy trình xử lý ổ dịch, trạm y tế cùng với Trung tâm Y tế dự phòng quận Ô Môn
đã tiến hành xử lý ổ dịch, kiểm tra diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi
trong phạm vi hơn 200 mét tính từ nơi có ổ dịch ở khu vực 14 và sau đó phun thuốc
cho tất cả các khu vực khác trong phường.
Thường xuyên giám sát nơi ổ dịch cũ, diệt lăng quăng
Tôi đã đến gặp bệnh nhi Voong Thanh Tú, 15 tuổi sau khi em vừa
được điều trị ổn định tại Bệnh viện Nhi
Đồng TP Cần Thơ. Anh Voong Thanh Thuận, cha của Tú cho biết, gia đình chỉ xài
nước máy, không trữ nước mưa. Khi mắc bệnh, bị sốt, gia đình đưa Tú đi bệnh viện
quận trước, sau là Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, mới biết em bị SXH.
Hai trường hợp mắc SXH ở hai nơi có điều kiện tự nhiên, kinh
tế khác nhau và đều tại những nơi từng có ổ dịch cũ. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo
của ngành Y tế về việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, diệt trừ lăng quăng tại
cộng đồng, đặc biệt tại những khu vực có ổ dịch cũ là hết sức quan trọng. Và việc
làm này cũng cần có sự hợp tác tự nguyện của người dân với sự hiểu biết rõ ràng
về dịch bệnh.
Mưa đã bắt đầu nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm thuận lợi
cho muỗi sinh sản trong những vật dụng chứa nước trong nhà, ngoài sân, làm gia
tăng nguy cơ dịch bệnh SXH và những dịch bệnh nguy hiểm khác. Ngành Y tế có
thông điệp: “ Không có lăng quăng, không có SXH”, nhắc nhở mọi người chủ ý thường
xuyên kiểm tra vật dụng chứa nước, các bình hoa, các lu, khạp; thải bỏ đúng nơi
những vật dụng không còn sử dụng để lăng quăng không nơi trú ẩn gây bệnh cho
người.
Với sự chuẩn bị chu đáo các nguồn lực, ngành Y tế thành phố đang
nỗ lực khống chế thành công dịch bệnh SXH, mang lại sự bình an trong cuộc sống
cho mọi người dân thành phố.