Thứ Năm, ngày 18-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi ăn kem không rõ nguồn gốc
[ Cập nhật vào ngày (25/11/2022) ] - [ Số lần xem: 649 ]
Khi mua kem cho trẻ ăn, nên quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Ảnh minh họa
Khi mua kem cho trẻ ăn, nên quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Ảnh minh họa

Ở nước ta, kem là món ăn được nhiều người yêu thích, nhất là đối với trẻ em. Sử dụng kem để giải khát hay dùng làm món tráng miệng đã không còn lạ gì với người dân Việt Nam.

Kem là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tuy nhiên cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn cao trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho mọi vi sinh vật phát triển và vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.

Do tính tiện lợi của kem bán ngoài đường phố, một số bậc cha mẹ thường dễ dàng mua cho con em ăn mà chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của chúng. Trong quy trình sản xuất kem đại trà, nguyên liệu làm kem cũng như dụng cụ làm kem tại những cơ sở tự phát hết sức thô sơ, mất vệ sinh, sử dụng nguồn nước bẩn, chưa được xử lý… Một số cơ sở tư nhân sản xuất theo công nghệ truyền thống, những loại kem không được đóng gói cẩn thận, đa số người bán hàng dùng tay để vận chuyển, giao bán, bao bì giấy gói không đảm bảo, do đó dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn vi khuẩn coliform trong kem, gây ra các ca ngộ độc do sử dụng kem bị nhiễm bẩn. Mà các ca ngộ độc này thường rơi vào các mẫu kem không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có nhãn mác rõ ràng. Các loại kem này thường được bán tại các khu vui chơi, hội chợ, nơi trẻ em tập trung đông đúc hoặc  được bán trên những chiếc xe bán nước giải khát trước cửa trường học, trường mầm non…

bai thuc pham kem 2.jpg

Không nên ăn kem không rõ nguồn gốc, đá bào nhiều màu nhân tạo hoặc hương vị, chất tạo xốp, chất tạo ngọt, phẩm màu… là những chất không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Vi khuẩn coliform khi vào cơ thể người sẽ có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 4 ngày rồi mới bắt đầu gây ra hàng loạt các chứng rối loạn đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, sốt, gây mất nước, rối loạn máu, mệt mỏi… Khi xâm nhập vào những người có sức đề kháng kém như trẻ em hay người cao tuổi thì bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vì làm tăng urê máu có tán huyết gây suy thận, xuất huyết và các vấn đề thần kinh khác, nguy hiểm nhất vẫn là gây tử vong với tỷ lệ tử vong khoảng 3-5%.

Theo số liệu tại Phòng xét nghiệm vi sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Cần Thơ), từ năm 2011 đến 2014, trong 125 mẫu kem lấy ngẫu nhiên tại các điểm bán kem hoặc các cơ sở sản xuất kem thì có đến 88 mẫu kem bị nhiễm vi khuẩn coliform, chiếm tỷ lệ khá cao (70,4%).

Vì vậy, nếu người tiêu dùng không đủ khả năng nhận biết mà mua phải những loại kem nhiễm coliform: nhẹ thì ngộ độc cấp tính, nặng có thể biến thành những căn bệnh nguy hại do sử dụng lâu dài.

Kem không được bảo quản trong môi trường đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi bị ô nhiễm bởi những vi khuẩn như tả, lỵ, thương hàn… Đặc biệt, nếu được làm từ nguồn nước không đảm bảo chất lượng thì rất dễ nhiễm kim loại nặng, thậm chí là chất độc như Asen hay Dioxin.

Do đó, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi ăn kem, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có nhãn mác và thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không nên cho trẻ ăn nhiều kem tránh trường hợp viêm họng hoặc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Bên cạnh đó trẻ nhỏ ăn nhiều kem cũng không tốt cho răng các bé. Thói quen mút của các bé đa số khi ăn kem cũng gây mòn men răng, hỏng răng. Không ăn kem, đá bào nhiều màu nhân tạo hoặc hương vị, chất tạo xốp, chất tạo ngọt, phẩm màu… là những chất không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, khi chọn kem tốt nhất nên nói không với những loại kem có quá nhiều màu sắc thiếu tự nhiên, màu nhân tạo.

Chính vì hệ  quả nghiêm trọng như trên, người dân nên sử dụng những thực phẩm đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng, giảm thói quen ăn uống nơi vỉa hè, đặc biệt là những chỗ có nhiều xe cộ qua lại.

Đối với người bán hàng cần thiết phải rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến và sử dụng găng tay khi bán hàng. Đối với cơ quan quản lý, cần phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra điều kiện vệ sinh ở các cơ sở kinh doanh, chế biến.

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết, được tiếp cận với những thực phẩm an toàn là nhu cầu cơ bản đối với mỗi con người. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại về kinh tế và xã hội. Yếu tố gây ngộ độc thực phẩm bao gồm cả độc tố tự nhiên, chất độc hóa học và vi sinh vật gây bệnh. Trong số đó, vi sinh vật gây bệnh thường là những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm tức thời.

Sự ô nhiễm vi sinh vật có thể từ nguyên liệu, dụng cụ và tay người chế biến. Hơn nữa, quy trình chế biến và quá trình phân phối không đạt yêu cầu đã tạo điều kiện để vi sinh vật phát triển nhanh chóng hơn. Trong hầu hết các trường hợp thức ăn thường không được bảo vệ chống lại ô nhiễm môi trường, không đảm bảo điều kiện nhiệt độ bảo quản thức ăn thích hợp chính là điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập và phát triển.

Ngày nay thức ăn đường phố đang phát triển mạnh, và có xu hướng ngày càng gia tăng, phục vụ thuận lợi trong cơ chế thị trường và công nghiệp hóa. Bên cạnh mặt tích cực là phục vụ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thì thức ăn đường phố là một thách thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vệ sinh an toàn thực phẩm có liên quan trực tiếp, thường xuyên, liên tục đến sức khỏe con người. Sử dụng thực phẩm không bảo đảm chất lượng vệ sinh sẽ dẫn tới ngộ độc cấp tính, ngộ độc mạn tính, các bệnh nhiễm trùng do thực phẩm và ngộ độc tích lũy.

Đoan Trang




Đường dây nóng




Số lượng truy cập