Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Hội nghị trực tuyến Quán triệt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19
[ Cập nhật vào ngày (27/04/2022) ] - [ Số lần xem: 1108 ]
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phát biểu tại điểm cầu Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phát biểu tại điểm cầu Bộ Y tế.

Sáng 26/4/2022, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến Quán triệt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06.

* Còn khoảng 7,6 triệu mũi vắc xin COVID-19 chưa được nhập lên hệ thống

Theo báo cáo, tính đến ngày 25/4/2022, cả nước đã tiêm hơn 212,6 triệu mũi tiêm. Tuy nhiên, trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin khoảng 205 triệu mũi tiêm, như vậy còn khoảng 7,6 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống (bao gồm các đối tượng như công an, quân đội và người dân).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua với sự giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, và một số đơn vị liên quan, Bộ Y tế đã tích cực triển khai được dữ liệu phần mềm tiêm chủng quốc gia. Phần mềm đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên trong thực tiễn triển khai cũng nảy sinh nhiều vấn đề và còn những hạn chế nên kết quả cũng chưa đạt được như mong muốn.

LAM SACH DU LIEU TIEM CHUNG - 0002.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND TP Cần Thơ.

Theo Bộ trưởng, mặc dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần chỉ đạo đẩy mạnh việc cập nhật phần mềm tiêm chủng nhưng vẫn còn hơn 43 triệu mũi tiêm chưa đồng bộ được vấn đề tiêm chủng với dữ liệu dân cư quốc gia. Vẫn còn những thông tin nhập vào còn thiếu, chưa phù hợp, chưa đúng và chưa đảm bảo được việc liên thông dữ liệu này.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, việc liên thông dữ liệu, xác thực các thông tin không những chỉ phục vụ cho việc tiêm chủng COVID-19 có ý nghĩa mà còn có lợi ích, ý nghĩa quan trọng về lâu dài khi triển khai những ứng dụng khác như: quản lý sức khỏe toàn dân. Bởi muốn quản lý sức khỏe thì phải thông qua hệ thống liên thông dữ liệu mới có thể quản lý được. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới cần đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc chuyển đổi số với ngành y tế như khám chữa bệnh không dùng sổ y bạ giấy mà dùng bệnh án điện tử...

LAM SACH DU LIEU TIEM CHUNG - 0003.jpg

Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

“Nếu chúng ta không có nền tảng ngay từ bây giờ thì rất khó triển khai đồng bộ. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy nhanh chuyển đổi số với ngành y tế, ứng dụng công nghệ thông tin với ngành y tế, tạo mọi tiện ích cho người dân trong vấn đề tiếp cận các dịch vụ y tế”- GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ, hiện nay chúng ta đã tổ chức thành công Chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên thời gian gần đây tốc độ tiêm chủng đang chậm lại. Việc tiêm mũi 1, mũi 2 với người lớn cơ bản đã hoàn thành 100% nhưng việc tiêm mũi 3 hiện đang chậm. Trong khi không có tình trạng thiếu vắc xin tại các địa phương. Vì vậy, Bộ trưởng Long đề nghị các địa phương triển khai nhanh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin, phải hoàn thành tiêm mũi 3, hoàn thành việc tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trong quý II.

* Quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng

Tổ công tác triển khai Đề án 06 của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 theo quy trình như sau:

1. Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã/phường chỉ đạo Trạm Y tế lập danh sách đối tượng tiêm chủng COVID-19 thường trú trên địa bàn sai thông tin, bao gồm các trường hợp sau:  Không có số căn cước công dân/chứng minh nhân dân (CCCD/CMND); Sai định dạng số CCCD/CMND; Sai thông tin cá nhân cơ bản: số CCCD/CMND, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính (Sử dụng chức năng lập danh sách trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19)

2. Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã/phường giao Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp thôn/ấp thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh thông tin. Sau đó, danh sách được chuyển tới Công an xã/phường để thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Công an xã/phường ký và bàn giao danh sách cho Trạm Y tế để lưu trữ và cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19.

4. Trạm Y tế thực hiện cập nhật lại thông tin cho các đối tượng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19: Đối với các trường hợp đối tượng không có số CCCD/CMND hoặc sai định dạng số CCCD/CMND, Hệ thống cho phép nhập danh sách (import) từ tệp định dạng Excel (Sử dụng chức năng Import đối tượng tiêm COVID-19). Đối với các trường hợp sai thông tin cá nhân cần chỉnh sửa trực tiếp trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Sau khi thực hiện cập nhật thông tin, cán bộ Trạm Y tế sử dụng chức năng lập danh sách xác minh thông tin để xem kết quả.

5. Các cơ sở tiêm chủng hằng ngày phải thực hiện kiểm tra, ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”.

Bên cạnh đó, quy định đối với nhập dữ liệu, ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”: Đối với người Việt Nam: bắt buộc sử dụng số CCCD/CMND; chỉ những đối tượng đã được xác minh đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới ký được xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”. Đối với người nước ngoài tiêm tại Việt Nam: sử dụng số hộ chiếu, không cần xác minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm về tính chính xác. Đối với các mũi tiêm mới, hoàn thành nhập dữ liệu và ký số xác nhận trong ngày theo Công văn số 1815/BYT-CNTT ngày 8/4/2022: thực tế triển khai, Cục Công nghệ thông tin nhận được phản ánh của một số đơn vị về việc không ký xác nhận được trong ngày vì phải chờ kết quả xác minh thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Quỳnh Chi




Đường dây nóng




Số lượng truy cập