Hướng tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030
Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ
sang con năm 2022 với chủ đề: “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và
giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030” nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống
chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu loại trừ HIV, viêm gan B và
giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng
năm riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ bị nhiễm viêm
gan virus B, 13.000 trẻ bị nhiễm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV trong khi
các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có
và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng
cho trẻ ngay sau sinh. Nhằm tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây
truyền từ mẹ sang con, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cũng
như mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên
giai đoạn 2016-2030, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã xây dựng
Khung kế hoạch loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền mẹ từ mẹ sang
con giai đoạn 2018-2030 đồng thời khuyến nghị các quốc gia thành viên trên cơ sở
khung kế hoạch khu vực, căn cứ điều kiện cụ thể của từng nước để xây dựng Kế hoạch
hành động quốc gia nhằm tiến tới loại trừ 3 bệnh kể trên vào năm 2030.
Việt Nam đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc
gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con
giai đoạn 2018-2030” với mục tiêu tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B
và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030.
Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền
HIV từ mẹ sang con (từ ngày 01-30/6/2022), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành
phố Cần Thơ đã xây dựng Kế hoạch triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng cao
điểm nhằm mục đích: Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn
dân nhằm thực hiện mục tiêu loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ
mẹ sang con vào năm 2030 của thành phố. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của các
tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV
trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm
HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và
phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV,
tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ
sang con; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ
sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch
vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tháng cao điểm cũng chú trọng tuyên truyền về:
Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV, viêm gan B và giang mai cho phụ nữ mang thai;
thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV
cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong
độ tuổi sinh đẻ; lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai
nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; các biện pháp dự phòng lây nhiễm
HIV…; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, viêm gan B, và giang mai cho
phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa
phương…
CDC Cần Thơ cũng đề nghị các Trung tâm Y
tế xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai
các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức nhằm vận động cộng đồng hưởng
ứng Tháng cao điểm; chỉ đạo, hỗ trợ, giám sát các trạm y tế tổ chức các
hoạt động của Tháng cao điểm, đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ
tại trạm. Trạm Y tế lồng ghép hoạt động tư vấn về phòng lây truyền mẹ con và
lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc HIV, giang mai và viêm gan B cho phụ nữ mang
thai vào hoạt động tiêm chủng; tập trung tư vấn để phụ nữ mang thai được xét
nghiệm trong 3 tháng đầu thai kỳ; phối hợp theo dõi phụ nữ mang thai
nhiễm HIV tại cộng đồng và chuyển tiếp mẹ và trẻ đến các phòng
khám ngoại trú người lớn và trẻ em.
CDC Cần Thơ khuyến cáo, việc can thiệp cho phụ
nữ mang thai nhiễm HIV trong thời kỳ trước sinh, trong khi sinh và sau sinh rất
quan trọng, góp phần làm giảm số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Chính vì vậy,
phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư
vấn, khám và quản lý thai nghén kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định
tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét
nghiệm HIV càng sớm càng tốt để được tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm.
Tại TP Cần Thơ, chương trình dự phòng lây
truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai từ năm 2009. Việc tư vấn
xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đã được mở rộng đến các trạm y
tế, bệnh viện, Trung tâm Y tế. Nếu phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV,
các trường hợp sẽ được cán bộ y tế tư vấn, kết nối chuyển gửi thai
phụ đến các Phòng khám Ngoại trú nhằm tiếp cận điều trị ARV sớm. Các can
thiệp về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép vào
hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, hiện nay tại 9 quận, huyện
trên địa bàn thành phố, phụ nữ khi đến khám thai ở các trạm y tế, sẽ được tư vấn,
lấy máu xét nghiệm nhanh 3 bệnh: HIV, giang mai và viêm gan B. Theo Khoa Phòng,
chống HIV/AIDS, CDC hiện có hỗ trợ sinh phẩm cho các quận/huyện triển khai xét
nghiệm nhanh 3 bệnh: HIV, giang mai và viêm gan B cho phụ nữ mang thai (do Tổ
chức Y tế thế giới tài trợ).
Lợi ích từ phương pháp này rất thuận tiện, dễ
dàng, vì mỗi phụ nữ có thai chỉ lấy mẫu một lần/thai kỳ và được làm xét nghiệm
sàng lọc cả 3 bệnh: HIV, giang mai và viêm gan B. Việc mở rộng tư vấn, xét nghiệm
lấy mẫu máu xét nghiệm nhanh 3 bệnh tại tuyến xã, cộng đồng đã tạo điều kiện cho
người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, phát hiện kịp thời tình trạng, sức
khỏe, khả năng lây nhiễm HIV, giảm bớt thời gian chờ đợi; góp phần giảm tỷ lệ
nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai trong nhóm phụ nữ mang thai và con của họ.
Theo thống kê của Khoa Phòng, chống
HIV/AIDS, CDC Cần Thơ, trong quý 1/2022, tuyến xã/phường đã thực hiện tư vấn
xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B cho 1.901 trường hợp phụ nữ mang thai,
trong đó phát hiện có 01 trường hợp nhiễm giang mai, 11 trường hợp nhiễm viêm
gan B. Ngoài ra, sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai tại bệnh viện, phát hiện 03
trường hợp nhiễm HIV (trong đó tại Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt là 01 trường
hợp và 02 trường hợp tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ). Tất cả các trường hợp phụ
nữ mang thai phát hiện nhiễm giang mai, viêm gan B và HIV trên địa bàn thành phố
đều được can thiệp điều trị dự phòng.
Lấy mẫu 01 lần trong thai kỳ, xét nghiệm sàng
lọc được 3 bệnh: HIV, giang mai, viêm gan B - thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng!