Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa phẫu thuật điều trị thành
công cho bé trai 4 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ thông lớn bằng
phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn với đường mổ nhỏ.
Thông tin chia sẻ từ gia đình, người nhà bé trai V.Q.T (4 tuổi,
địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: bé chậm tăng cân, thường
hay bị lạnh tay chân khi chơi đùa, ho và viêm phổi tái đi tái lại. Người nhà
đưa bé đi khám và siêu âm, phát hiện bé mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ
nên được đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị.
Sau khi hội chẩn, ekip bác sĩ thống nhất điều trị cho bé bằng
phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn với đường mổ nhỏ. Đây là kỹ thuật điều trị
hiện đại, tính an toàn cao, ít xâm lấn, vết mổ nhỏ khoảng 4 cm, nằm liên sườn 4
ngực bên phải, được giấu kín ở các nếp gấp tự nhiên của cơ thể. Đặc biệt, phẫu
thuật tim đường mổ nhỏ sẽ giúp bệnh nhi tránh được việc phải cưa mở dọc xương ức
làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần trong tương lai. Đồng
thời, phương pháp này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, ít đau, hồi phục sau mổ sớm,
giảm thiểu chi phí điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện so với phẫu thuật tim
cổ điển, tăng tính thẩm mỹ vì người bệnh không phải chịu vết sẹo lớn.
Khoảng 48 giờ sau phẫu thuật, tình hình sức khoẻ bệnh nhi tiếp
xúc tốt, sinh hiệu ổn định, các chỉ số xét nghiệm bình thường, hiện đã được xuất
viện sau 5 ngày điều trị và tái khám ngoại trú theo lịch hẹn của bác sĩ.
BS.CKII. Trần Phước Hoà, Trưởng Khoa Ngoại tim mạch – Lồng
ngực – Hồi sức tim, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Hiện nay, phẫu thuật
tim ít xâm lấn được Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long áp dụng thường quy, thay thế gần
như hoàn toàn phương pháp cổ điển. Trước đây, để thực hiện phẫu thuật tim, các
bác sĩ tiếp cận tim qua đường mổ mở ngực giữa xương ức, với nguy cơ để lại sẹo
mổ dài trước ngực và có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm khi phải tiến hành
tách xương ức. Vì vậy, phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn được sử dụng để
tránh tối đa việc mở vùng xương ức.
Bệnh lý tim bẩm sinh là dị tật phổ biến nhất và là nguyên
nhân hàng đầu gây tử vong trong số những trường hợp dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, cứ 1.000 trẻ em được sinh ra sẽ có 8 trẻ mắc các bệnh
tim bẩm sinh. Ước tính mỗi năm tại Việt Nam, có tới 12.000 trẻ sơ sinh bị tim bẩm
sinh, trong đó nhiều trẻ sẽ không có triệu chứng và vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt
bình hường. Tuy nhiên, về lâu dài, bệnh tim bẩm sinh nếu không được điều trị sẽ
dẫn đến các biến chứng như: suy tim phải, tăng áp động mạch phổi, tăng nguy cơ
đột quỵ...
Bác sĩ Hoà cũng lưu ý quan trọng đến các bậc phụ huynh nên
đưa trẻ đi khám và tầm soát bệnh lý tim bẩm sinh ít nhất một lần trong đời. Nhiều
năm qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã tổ chức các chương trình tầm soát bệnh
tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi định kỳ vào thứ Bảy tuần cuối của
mỗi tháng. Việc phát hiện sớm bệnh lý tim bẩm sinh sẽ giúp gia đình và bác sĩ
có phương pháp chăm sóc, hướng điều trị tích cực, chuyên biệt giúp nâng cao hiệu
quả điều trị, bảo vệ sức khỏe của trẻ, tránh được các biến chứng nặng nề về
sau.