Chỉ trong ngày 6/7/2024, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản
TP. Cần Thơ đã liên tiếp cứu sống nhiều trường hợp sản phụ nhập viện trong tình
trạng nguy kịch, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các gia đình.
Trường hợp đầu tiên là sản phụ Đ.T.H.H (30 tuổi, TP. Cần
Thơ) mang thai con so 26 tuần 6 ngày, nhập viện trong tình trạng huyết áp cấp cứu
240/180mmHg, phù nhiều, chẩn đoán tiền sản giật nặng. Ngay khi tiếp nhận, các
bác sĩ sử dụng thuốc hạ áp để kiểm soát huyết áp, dự phòng cơn sản giật và làm
khẩn các xét nghiệm cần thiết. Qua xét nghiệm, xác định sản phụ mắc hội chứng
HELLP rất nặng, đặc trưng bởi các triệu chứng tan máu nặng, men gan tăng cao, số
lượng tiểu cầu giảm mạnh, nước tiểu có nhiều protein. Khi huyết áp bệnh nhân tạm
ổn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bắt con để bảo đảm an toàn cho cả hai mẹ
con. Ekip phẫu thuật do BS.CKII. Trần Thị Hồng Như, Phó Trưởng khoa Cấp cứu làm
trưởng ekip đã diễn ra an toàn, bé gái nặng 1000gram ra đời. Hiện sức khỏe sản
phụ ổn định và tiếp tục được bác sĩ theo dõi.
Nhân viên y tế thực hiện đo chỉ số sinh hiệu cho
sản phụ sản phụ tên L.T.T.P sau ca phẫu thuật
Theo BS.CKII. Trần Thị Hồng Như, Phó Trưởng khoa Cấp cứu chia
sẻ: Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa nguy hiểm của bệnh lý tiền sản
giật. Bệnh thường diễn tiến nhanh, nặng, đe dọa tính mạng của cả thai phụ và
thai nhi nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, việc tầm soát tiền sản giật
trong quý 1 thai kỳ sẽ giúp nhận diện sớm những phụ nữ mang thai có nguy cơ bị
tiền sản giật, từ đó cho phép bác sĩ có kế hoạch kiểm soát và can thiệp sớm để
giảm bớt nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cho mẹ và bé. Hiện Bệnh viện Phụ sản TP.
Cần Thơ đã triển khai kỹ thuật sàng lọc, dự phòng tiền sản giật sớm từ quý I
thai kỳ giúp dự đoán nguy cơ tiền sản giật từ đó các bác sĩ kịp thời đưa ra các
phương hướng theo dõi và điều trị thích hợp trong thai kỳ.
Cùng ngày, vào lúc 22 giờ 52 phút, BS.CKII. Đỗ Thị Minh Nguyệt,
Phó Trưởng khoa Sản bệnh cũng đã phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa khác của Bệnh
viện đã phẫu thuật cấp cứu thành công cho một trường hợp sản phụ tên L.T.T.P
(32 tuổi, TP. Cần Thơ) mang thai con lần 2, thai 35 tuần, vết mổ cũ nhập viện
trong tình trạng đau trằn bụng, âm đạo ra huyết đột ngột lượng nhiều. Qua thăm
khám và thực hiện các xét nghiệm - siêu âm, sản phụ được chẩn đoán: con lần 2,
thai 35 tuần, vết mổ cũ lấy thai, nhau tiền đạo trung tâm cài răng lược thể
Percreta xâm lấn bàng quang. Sản phụ cho biết bản thân đã mổ thai lưu 1 lần vào
năm 2018, lần mang thai này có đi thăm khám thai tại một phòng khám tư nhân ở địa
phương nhưng không phát hiện tình trạng nhau cài răng lược. Thấu hiểu tâm trạng
mong con của sản phụ và gia đình, các bác sĩ đã được hội chẩn viện phối hợp các
chuyên khoa: Phụ sản, PTGM-HSTC-CĐ và ngoại thận tiết niệu,... được tiến hành
phẫu thuật lấy thai an toàn mà không làm tổn thương các cơ quan bên cạnh. Bé
gái có cân nặng 2.760gram khóc tốt. Hiện tại sức khỏe của sản phụ và bé đã ổn định.
Theo BS.CKII. Đỗ Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng khoa Sản bệnh,
cho biết: “Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược là một bệnh lý nặng của thai kỳ
làm tăng tỷ lệ tử vong và các biến chứng cho mẹ như sốc mất máu, cắt tử cung, rối
loạn đông máu và thai nhi dễ bị suy hô hấp do sinh non. Bệnh lý nhau tiền đạo,
nhau cài răng lược thường gặp ở sản phụ có tiền căn mổ lấy thai, bóc nhân xơ tử
cung, mang thai nhiều lần, thủ thuật nạo hút buồng tử cung… Vì vậy, các sản phụ
có yếu tố nguy cơ nên đi khám thai sớm để phát hiện, theo dõi và xử trí kịp thời
ở tuyến Bệnh viện chuyên khoa sẽ giảm nguy cơ tử vong và biến chứng cho mẹ và
bé.”
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ tiếp
nhận và cấp cứu thành công 57 trường hợp bệnh nặng như tiền sản giật, dọa sinh
non, nhau bong non, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo… đem lại niềm vui “mẹ
tròn con vuông”. Đặc biệt, với những ca bệnh nặng, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn
sát cánh cùng ekip, thực hiện hội chẩn viện, hội chẩn liên viện để đảm bảo điều
trị hiệu quả nhất cho người bệnh. Bệnh viện cũng luôn chú trọng đến việc cải tiến,
ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe
sinh sản cho chị em trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.