Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), COVID-19 vẫn
là vấn đề y tế toàn cầu khi số ca nhiễm vẫn tăng, vi rút vẫn lây lan và gây sức
ép lên hệ thống y tế của nhiều nước. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự
lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác...
Tăng cường giám sát BA.4, BA.5 và các biến thể khác
Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường
và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5
của chủng Omicron, nhất là tại khu vực Châu Âu. Số liệu báo cáo từ các nước
châu Âu, Nam Phi, khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh khoảng
12-13% so với biến thể BA.2 và được dự báo sẽ từng bước thay thế biến thể phụ
BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Như vậy, số ca mắc có thể
gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5 và các biến
thể khác. Đây đều là những biến thể lây lan nhanh và có khả năng “né” miễn dịch.
Nghĩa là những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4,
BA.5. Một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc
bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.
Tại Việt Nam, từ cuối tháng 3/2022, dịch có xu hướng giảm mạnh
và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thời
gian gần đây, ca mắc có gia tăng. Liên tiếp trong 3 ngày gần đây (từ 19/7-21/7/2022),
mỗi ngày đều ghi nhận hơn 1.000 ca COVID-19 mới, trong đó riêng ngày 21/7/2022,
số ca mắc mới lên đến gần 1.300, cao nhất trong 47 ngày qua. Các ca mắc biến thể
BA.4 và BA.5 đang gia tăng. Cùng với đó biến thể phụ BA.2.12.1 cũng đã xuất hiện
tại phía Nam.

Vắc xin vẫn là biện pháp hàng đầu
để phòng, chống dịch COVID-19, người dân cần tiêm đúng, tiêm đủ liều theo khuyến
cáo.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, biến chủng
mới BA.5 xâm nhập là điều khó tránh, vì cả nước đang thực hiện chính sách thích
ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 và mở cửa, giao thương kinh tế. Tốc độ gia
tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: bản
chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (vi rút SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi,
không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch của cộng đồng (mắc phải hoặc do tiêm vắc
xin) giảm theo thời gian; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch tại
địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, khó dự báo được mức độ tăng cụ thể
trong thời gian tới. Vì vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ
Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch,
tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục
truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
* Tăng cường tiêm vắc xin phòng biến thể mới
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng
cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác. Đồng
thời đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên,
ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và
tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an
toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến
khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp
phòng, chống dịch theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc
+ điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột
cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt,
hiệu quả với dịch COVID-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ,
việc tiêm các mũi nhắc lại rất cần thiết bởi vì các mũi tiêm cơ bản sẽ bị suy
giảm hiệu quả trong vòng 6 tháng và khi biến thể mới xuất hiện. Các mũi nhắc lại
sẽ giúp gia tăng nồng độ kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc hoặc tình trạng
bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt trong tình hình các biến thể mới có thể liên tục
xuất hiện trong tương lai. Cụ thể, một nghiên cứu gần đây do Tạp chí y khoa
hàng đầu thế giới NEJM công bố, cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có
thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc
bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy
kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong, cụ thể như sau: Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc
COVID-19 là 52%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; Hiệu
quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc COVID-19 là 72%; Hiệu quả bảo vệ khỏi
mắc COVID-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong
do mắc COVID-19 là 76%.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo trong giai đoạn hiện nay, vắc xin vẫn
là biện pháp hàng đầu để phòng, chống dịch. Người dân cần tiêm đúng, tiêm đủ liều
theo khuyến cáo; đặc biệt là với những người cao tuổi hay người có bệnh nền,
người bị suy giảm miễn dịch, các lực lượng tuyến đầu: y tế, công an, quân đội,
giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch
vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại,
siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp…
Cùng với vắc xin, mọi người nên tiếp tục duy trì nâng cao sức
khỏe của bản thân bằng việc ăn uống, sinh hoạt điều độ, khoa học, vận động hợp
lý, đeo khẩu trang ở những nơi có tập trung đông người, giữ gìn vệ sinh cá
nhân, đảm bảo vệ sinh không gian sống.