Thứ Sáu, ngày 29-03-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Điều trị đốt sóng cao tần miễn phí cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch
[ Cập nhật vào ngày (13/07/2020) ] - [ Số lần xem: 720 ]
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ điều trị đốt sóng cao tần cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ điều trị đốt sóng cao tần cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch

Ngày 9/7/2020, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ triển khai Chương trình điều trị đốt sóng cao tần miễn phí cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Medtronic, tài trợ dây đốt cho 11 bệnh nhân được bác sĩ chỉ định can thiệp nội mạch.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc N. (65 tuổi, quê ở quận Ninh Kiều) chia sẻ niềm vui sau đợt điều trị suy tĩnh mạch chi bằng sóng cao tần. Bà cho biết, trước đây đã điều trị suy tĩnh mạch chân trái bằng thuốc nhưng tĩnh mạch chân phải rất giãn và suy mức độ nặng nên tình trạng khó chịu của bà không được cải thiện. Trong dịp này, bà được bác sĩ tư vấn can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần và chỉ sau 6 giờ rời phòng phẫu thuật, bà đã có cảm giác rất dễ chịu, đã có cảm giác khỏe hơn và sẵn sàng ra viện.

Đây là bệnh nhân đầu tiên trong số 11 bệnh nhân được điều trị bằng sóng cao tần tại Khoa Ngoại Lồng ngực. Các bác sĩ kiểm tra lại cho thấy kết quả rất tốt, không có hiện tượng sưng và bầm tím tại chi được phẫu thuật.

Theo BS.CKII Phạm Văn Phương, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, suy giãn tĩnh chi dưới có tỉ lệ mắc rất cao, trong đó phụ nữ mắc bệnh cao gấp 3 - 4 lần nam giới. Khi tĩnh mạch nông bị suy (do suy van hoặc giãn tĩnh mạch), máu sẽ trào ngược xuống chân gây ứ trệ tuần hoàn, dẫn đến các hiện tượng đau, mỏi, nặng chân, chuột rút vào ban đêm hoặc phù nhẹ khi đứng ngồi lâu... Nhưng khi các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da (suy giảm sắc tố và chàm hóa, loét da), các tĩnh mạch giãn dần và nổi ngoằn ngoèo trên bề mặt da gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Các triệu chứng giai đoạn đầu của suy tĩnh mạch chân thường không rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan. Đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn nặng, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch khiến chân sưng phù, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng. Nếu không được can thiệp đúng, các tĩnh mạch sẽ giãn to dần và hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác. Khi tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Gần một năm trở lại đây, bà Nguyễn Kim Thoa, 69 tuổi, quê ở quận Ninh Kiều cảm thấy chân thường xuyên bị chuột rút và sưng phù. Cách đây 5 tháng, bà đi khám BHYT phát hiện bị giãn tĩnh mạch nông sâu chân trái. Suốt thời gian đó đến nay, bà uống thuốc đều đặn. Gần đây, bà thấy da vùng ngón chân, bàn chân sạm dần, tĩnh mạch vùng bắp chân nổi ngoằn ngoèo, đi lại khó khăn hơn. Lần này, bà đến Khoa Ngoại Lồng ngực khám thì được bác sĩ chỉ định can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần.

Dụng cụ gồm máy đốt sóng cao tần (RFA), sợi dây đốt, máy siêu âm. Thường đốt thân chính tĩnh mạch nông (tĩnh mạch hiển lớn). Gây tê tủy sống hay gây tê tại chỗ tĩnh mạch hiển. Bọc lộ tĩnh mạch hiển lớn ở đoạn cằng chân luồn dây đốt vào lên đến quay tĩnh mạch hiển theo hướng dẫn máy siêu âm. Sau đó tiêm nước xung quanh tĩnh mạch hiển. Nối dây đốt với máy đốt và bắt đầu đốt với nhiệt 120 độ và khoảng thời gian 20 giây sẽ đốt được 1 đoạn 7cm. Sau đó rút lui đốt dần tương tự cho hết chiều dài tĩnh mạch. Sau đốt băng ép hoặc mang vớ tĩnh mạch.

Do tính chất ít xâm lấn hơn, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh hơn so với nếu điều trị bằng phẫu thuật kinh điển. Bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng, trở lại với các hoạt động sinh hoạt hằng ngày trong khoảng từ 8 - 12 giờ ngay sau thủ thuật.

Bác sĩ Phương khuyến cáo, bệnh suy tĩnh mạch chân là bệnh lý có yếu tố gia đình và liên quan đến nghề nghiệp, chế độ ăn uống, làm việc. Để phòng ngừa, cần tránh táo bón, béo phì, tránh đứng lâu, ngồi nhiều, ăn các thức ăn giàu vitamin và nhiều chất xơ… Cần làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục đều đặn. Bệnh nhân mắc bệnh này khi ngủ nên kê cao chân khoảng 10-15cm so với mặt giường, sẽ giảm ứ máu tĩnh mạch.

Tổ Truyền thông, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ




Đường dây nóng




Số lượng truy cập