Thứ Sáu, ngày 19-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa cao điểm
[ Cập nhật vào ngày (25/08/2016) ] - [ Số lần xem: 1178 ]
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc xin - sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc xin - sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang tiếp tục gia tăng ở các tỉnh, thành phía Nam. Tính từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam có gần 34.000 ca mắc SXH, tăng 64% so cùng kỳ. Riêng TP Cần Thơ, tính đến ngày 24/8/2016, toàn thành phố có 510 ca mắc SXH, tăng 180 ca, tương đương tăng 55% so với cùng kỳ, nhóm trẻ dưới 15 tuổi vẫn là nhóm mắc bệnh sốt xuất huyết chủ yếu, chiếm 88,24% số mắc.

Số ca bệnh SXH tại thành phố Cần Thơ thấp đứng hàng thứ 18 trong 20 tỉnh thành khu vực phía Nam, giảm 02 bậc so với tháng 6/2016 (đứng hàng thứ 16). Chúng tôi có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc xin - sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ để hiểu rõ hơn về tình hình này.

* Bác sĩ vui lòng cho biết dấu hiệu để nhận biết bệnh SXH là gì?

Đối với thể bệnh nhẹ, người bệnh sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban. Đối với thể bệnh nặng sẽ biểu hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Ngoài ra, còn các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

* Xin bác sĩ hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa bệnh SXH?

- Muỗi vằn truyền bệnh SXH thường đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, hốc cây...; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn có màu đen, thân và chân có những đốm trắng, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn cũng thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi…

- Để phòng ngừa bệnh SXH, người dân cần tích cực diệt lăng quăng hàng tuần để đảm bảo không có nơi sản sinh ra muỗi truyền SXH, đây là yếu tố quan trọng nhất trọng để phòng, chống SXH. Ngoài ra, việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng chống và xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết, người dân và các hộ gia đình cần phải phối hợp với các đơn vị y tế khi tiến hành phun hóa chất diệt muỗi.

- Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH cho trẻ như: vệ sinh nhà cửa, dẹp bỏ các dụng cụ đọng nước quanh nhà (lon, hộp, gáo dừa, vỏ bánh xe…); cọ, súc rửa lu, khạp, chum vại… để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ; đậy kín các lu chứa nước sinh hoạt, không cho muỗi đẻ trứng, hoặc thả cá bảy màu để ăn lăng quăng…

* Khi phát hiện con mình mắc SXH thì phụ huynh cần phải làm như thế nào, thưa bác sĩ?

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện liên quan đến sốt xuất huyết, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị. Trường hợp nếu trẻ được bác sĩ chẩn đoán bệnh nhẹ và cho phép chăm sóc tại nhà thì phụ huynh nên chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Cho trẻ nằm nghỉ ngơi và cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho trẻ ăn nhẹ: cháo, súp, sữa. Phụ huynh dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát cho trẻ. Nên theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.

* Xin cảm ơn bác sĩ.
Duy Lê (thực hiện)




Đường dây nóng




Số lượng truy cập