Thứ Sáu, ngày 26-04-2024 Trang chủ| Liên hệ| Góp ý| Sơ đồ   [Đăng nhập]
Tìm kiếm
ĐƯỜNG DÂY NÓNG

 

Hồ sơ công việc
 
 
 
Tin hoạt động Ngành
Đẩy mạnh thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân
[ Cập nhật vào ngày (29/06/2016) ] - [ Số lần xem: 1530 ]
Cán bộ y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện. Ảnh: Thúy Duy
Cán bộ y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện. Ảnh: Thúy Duy

Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để cộng đồng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau. Thời gian qua, cùng với cả nước, TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển độ bao phủ BHYT, phấn đấu đến cuối năm 2016 đạt tỷ lệ bao phủ 73% dân số thành phố có BHYT.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia BHYT

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân thành phố Cần Thơ, tính đến cuối tháng 5/2016, thành phố đạt tỷ lệ độ bao phủ BHYT là 68,01% dân số.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT, Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai tổ chức đại lý thu ở các xã/phường/thị trấn, mỗi đơn vị có 3 đại lý thu (đại lý thu BHYT thuộc UBND xã/phường/thị trấn; đại lý thu BHYT thuộc trạm y tế do cán bộ dân số phụ trách đặt tại trạm y tế; đại lý thu do ngành bưu điện phụ trách đặt tại bưu cục xã/phường/thị trấn). Riêng đại lý thu UBND xã/phường/thị trấn có cơ cấu thành viên là cán bộ ấp, khu vực và đặt điểm thu ngay tại ấp/khu vực. Hiện nay, toàn thành phố có 547/630 ấp/khu vực có điểm thu nhằm tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong việc tham gia BHYT, đồng thời phản ánh những điểm bất cập để điều chỉnh chỉ đạo kịp thời.

Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Bảo hiểm Xã hội TP Cần Thơ tích cực phối hợp với các ngành liên quan, cơ quan truyền thông báo chí, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp để vận động người dân tham gia BHYT, đồng thời kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT. Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm Xã hội TP Cần Thơ đã phát hành 95.000 tờ gấp: “Những điều cần biết về BHYT đối với người lao động trong doanh nghiệp”; 180.000 tờ gấp: “Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình”; 100.000 tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên”; 220 tờ áp-phích “Những điều cần biết khi đi khám chữa bệnh”. Sở Y tế phát hành 2.000 sổ tay BHYT, 100.000 tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT”, 300 đĩa truyền thông về chính sách BHYT để phân phối cho các bệnh viện, trạm Y tế phục vụ công tác tuyên truyền. Ngoài ra, ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội còn tổ chức triển khai, tập huấn chính sách BHYT, kỹ năng truyền thông, tư vấn về chính sách BHYT cho cán bộ đại lý thu và các tuyên truyền viên làm công tác liên quan đến khám chữa bệnh BHYT trong toàn thành phố.

Từ tháng 1/2016, thành phố cũng đã triển khai quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn thành phố. Bảo hiểm Xã hội thành phố phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến việc triển khai khám, chữa bệnh thông tuyến đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện; chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc tổ chức thực hiện quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Theo Bảo hiểm Xã hội thành phố, đối với người có thẻ BHYT, việc thông tuyến tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều khi đi khám chữa bệnh mà không cần giấy chuyển tuyến, vẫn được khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi. Chẳng hạn, người tham gia BHYT đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã nhưng họ được đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện hay phòng khám đa khoa trên cùng địa bàn tỉnh và được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.

BS.CKI Nguyễn Thành Lập, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết: “Nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, hiện nay Sở Y tế đã triển khai áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Các đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong việc tăng giá viện phí lần này là các đối tượng được nhà nước đóng BHYT 100% như: trẻ em dưới 6 tuổi, gia đình thuộc hộ nghèo và một số trường hợp khác như hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội. Các trường hợp bệnh lý mãn tính, ung thư, chạy thận, những bệnh điều trị dài ngày…, người bệnh có số tiền cùng chi trả nhanh chóng đạt trên 6 tháng lương tối thiểu, khi đó cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ cấp giấy xác nhận miễn cùng chi trả đến hết một năm dương lịch”.

Về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố quán triệt đến đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị nghiêm chỉnh thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ theo Công văn số 113-CV/TU ngày 25/2/2016 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Tiếp tục thực hiện các nội dung của Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh BHYT khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ, trừ các chi phí chưa tính vào giá dịch vụ và phần đồng chi trả của người bệnh có BHYT theo quy định hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm Xã hội và giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm công khai mức thu các dịch vụ khám, chữa bệnh, mức thanh toán BHYT, mức thu chênh lệch khi có tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu.  

Sở Y tế cũng lưu ý đối với mức thu các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT thì tiếp tục áp dụng theo mức thu viện phí theo thẩm quyền phê duyệt của địa phương đã ban hành.

Nâng cao chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, TP Cần Thơ đã và đang tiếp tục củng cố, tăng cường đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất cho các tuyến y tế thành phố và quận/huyện, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng mở rộng độ bao phủ BHYT, tạo niềm tin, thu hút người dân tham gia BHYT.

Ngành Y tế tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách qui trình khám chữa bệnh, đồng thời đẩy mạnh triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao giúp người dân thụ hưởng các dịch vụ y tế tiên tiến. Hiện nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đã triển khai thành công các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị chuyên sâu, điều này đã góp phần giảm bớt tình trạng chuyển viện lên tuyến trên TP.HCM, đồng thời tăng lượng tiếp nhận bệnh ở các tỉnh lân cận trong khu vực. Theo Sở Y tế, trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, mạch máu, nhiều bệnh viện đã làm rất tốt như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, đặc biệt Bệnh viện Trường Đại học Y Dược còn làm được các can thiệp về mạch não, mạch gan. Riêng Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ được sự hỗ trợ tích cực từ Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã triển khai rất nhiều kỹ thuật về chẩn đoán, điều trị ung thư, nhất là áp dụng các kỹ thuật mới để giảm tác hại trong điều trị các bệnh lý về ung thư. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân của hơn 50 bệnh viện huyện thuộc các tỉnh lân cận trong lĩnh vực điều trị bệnh chuyên ngành huyết học, truyền máu. Ngoài ra, các bệnh viện chuyên ngành như: Bệnh viện Phụ Sản TP Cần Thơ, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu cũng thực hiện được nhiều kỹ thuật trong chẩn đoán sàng lọc sơ sinh, thụ tinh trong ống nghiệm… Tuyến quận/huyện có Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn và Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt đã được các bệnh viện tuyến thành phố hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và hiện nay cũng triển khai làm được nhiều kỹ thuật về nội soi chẩn đoán, ngoại khoa, sản khoa. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt là bệnh viện hạng 2 đã triển khai thành công chạy thận nhân tạo cấp cứu và chạy thận nhân tạo định kỳ. Điều này đã thu hút người dân các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, các quận/huyện lân cận về Thốt Nốt điều trị, giúp giảm áp lực cho Bệnh viện Đa khoa thành phố trong điều trị chạy thận.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các đơn vị y tế còn quan tâm giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh, thực hiện nghiêm túc các nội dung về quy tắc ứng xử, nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đơn vị liên quan, hy vọng việc huy động người dân tham gia BHYT sẽ đạt được kết quả tốt. Để thực hiện độ bao phủ BHYT từ đây đến cuối năm 2016 theo chỉ tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân thành phố yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện khám chữa bệnh theo Luật BHYT; phát huy vai trò trách nhiệm của nhân viên y tế và cán bộ dân số các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Bảo hiểm Xã hội chủ động phối với các ngành liên quan trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đến tất cả các nhóm đối tượng trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cho các đại lý thu những thủ tục nghiệp vụ, các chính sách mới về BHYT tuyên truyền cho người dân biết để tham gia; tăng cường công tác giám định BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh nhằm khắc phục tình trạng vượt quỹ BHYT. Ban Chỉ đạo cũng đề nghị UBND quận/huyện chỉ đạo kiểm tra UBND xã/phường/thị trấn trong việc tổ chức triển khai thực hiện chỉ tiêu phát triển độ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn quản lý.

Theo Sở Y tế, lộ trình thực hiện mức thanh toán viện phí BHYT từ ngày 1/7/2016: 

- Mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương được thực hiện kể từ ngày 1/7/2016. Thời điểm thực hiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định và có thông báo sau.

- Mức giá quy định từ ngày 1/7/2016 theo Thông tư 37 chỉ được áp dụng thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT: đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền quyết định là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 

- Đối với các Trạm Y tế xã/phường tạm thời chưa áp dụng mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương trong thanh toán BHYT. Trung tâm Y tế dự phòng quận/ huyện có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn các Trạm Y tế xã/ phường thực hiện mức thu viện phí BHYT đúng các quy định hiện hành. 


H.Giang




Đường dây nóng




Số lượng truy cập